Trò chuyện với anh Đào Ngọc Sơn - Giám đốc Hợp tác xã Quyết Tâm chúng tôi được biết, trước khi triển khai mô hình này, anh được một người bạn làm phiên dịch tiếng Trung Quốc giới thiệu hiện nay thị trường Trung Quốc đang rất cần nguồn nguyên liệu từ chè phơi. Vì vậy, anh Sơn đã tìm hiểu quy trình chế biến cũng như đầu ra của loại chè này. Khi nắm vững kỹ thuật và thị trường tiêu thụ, anh Sơn quyết định chuyển đổi mục đích một phần của nhà màng đang trồng rau thủy canh không hiệu quả sang làm sân phơi chè. Đầu tư xây xưởng chế biến chè, mua các thiết bị máy móc để làm chè phơi như: cối vò, đầu xào chè… Sau khi hoàn thành xưởng chế biến và lắp đặt hệ thống máy móc cũng là lúc lứa chè trên địa bàn tỉnh vào mùa rộ. Tháng 3/2021, anh Sơn bắt tay vào chế biến mẻ chè đầu tiên. Không ngờ, thành phẩm vượt ngoài mong đợi, thị trường tiêu thụ rộng mở, đó là động lực để anh tiếp tục phấn đấu.
Người lao động của Hợp tác xã Quyết Tâm phân loại thành phẩm chè phơi.
Theo anh Sơn, công đoạn chế biến chè phơi cũng giống như các bước đầu tiên chế biến chè khô thủ công, hái chè phải theo tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá, hái về phải phơi để lá chè héo nhẹ. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, bởi khi lá chè khô sương sẽ thoát hết khí nóng ẩm trong quá trình vận chuyển, tránh để chè bị ướt trước khi thực hiện công đoạn xào chè và cho vào cối vò. Sau khi vò chè xong mang ra phơi là thành phẩm đã hoàn thành. Muốn chè phơi chất lượng, bán được giá, anh Sơn còn thuê nhân công phân loại bỏ lá chè già, để ủ làm phân phục vụ cho trồng trọt.
Quy trình chế biến chè phơi nhanh gọn, khác hẳn với quy trình chế biến chè khô phải thực hiện các công đoạn sao khô, đánh mốc, sàng cuống và lên hương mới ra được chè thành phẩm. Do đó, đã rút ngắn được nhiều công đoạn, đặc biệt là công đoạn sao khô chè, vừa giảm được chi phí củi - than, vừa bảo vệ môi trường. Ngoài ra, để chè khi hái không bị già quá lứa, đảm bảo chất lượng, anh Sơn còn thuê một đội công nhân chuyên đi hái chè khi chủ nương chè có nhu cầu. Nghĩa là, khi hợp đồng mua chè, chủ hộ không hái kịp, anh Sơn sẽ giúp chủ hộ thuê người hái với giá 3.000 đồng/kg; đồng thời mua búp chè đã hái của chủ hộ 4.000 đồng/kg. Còn nếu chủ nương có thể tự hái chè anh sẽ mua với giá 7.000 đồng/kg.
Từ khi triển khai mô hình đến nay, anh Sơn đã xuất sang thị trường Trung Quốc gần 400 tấn chè phơi, giá bán 50 nghìn đồng/kg, thu về lợi nhuận hơn 10% trên tổng sản lượng chè thành phẩm được bán ra. Đồng thời, tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên với thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Vào vụ thu hái chè, anh còn thuê 20 - 100 nhân công với mức tiền từ 150 - 270 nghìn đồng/người/ngày, tùy theo hiệu suất lao động.
Là công nhân làm việc cho Hợp tác xã Quyết Tâm, chị Lù Thị Mí (bản Cắng Đắng, xã San Thàng) luôn có nguồn thu nhập ổn định để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Đặc biệt vào thời gian này dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, khi nhiều người thân, bạn bè của chị Mí đi làm công nhân ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh phải nghỉ việc về nhà. Chị Mí tâm sự: “Tôi làm việc ở đây từ khi Hợp tác xã triển khai mô hình rau thủy canh đến làm dược liệu từ cây actiso và bây giờ là làm thêm mô hình chè phơi. Công việc không vất vả như đi làm phụ hồ, thu nhập cao, ổn định, đủ lo cho sinh hoạt của gia đình”.
Sau một thời gian đưa vào dây chuyền sản xuất và chế biến chè phơi, đến nay đã có hơn 100 hộ dân ở các xã: Sùng Phài, San Thàng và phường Đông Phong, phường Tân Phong… đăng ký bán chè cho anh Sơn với cam kết chăm sóc chè đúng quy trình, hái chè đúng thời điểm để đảm bảo chất lượng của sản phẩm.
Đánh giá về mô hình chế biến chè phơi, đồng chí Bùi Đức Cao - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã San Thàng khẳng định: “Mô hình chế biến chè phơi đang là một hướng phát triển kinh tế mới, góp phần giúp bà con tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm chè ở xã San Thàng nói riêng, thành phố Lai Châu nói chung. Đặc biệt, là trong thời điểm dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, việc sản xuất, kinh doanh của nhiều hộ đang gặp rất nhiều khó khăn”.
Nguồn tin: Lai Châu online:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn