Tại Diễn đàn "Tái cơ cấu nông nghiệp: Phát triển hiệu quả, bền vững chuỗi giá trị nông sản" ngày 28/8, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, bà Cao Xuân Thu Vân, cho rằng Việt Nam vẫn đối mặt với hàng loạt thách thức trong việc phát triển chuỗi giá trị nông sản.
Hàng loạt thách thức trong liên kết, tiêu thụ
Một trong những thách thức lớn nhất là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một chuỗi và liên kết dọc giữa các ngành hàng vẫn còn hạn chế. Liên kết ngang giữa các nông dân, giữa HTX với HTX, và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp hiện mới chỉ dừng lại ở mức chia sẻ kinh nghiệm. Hoặc khâu sơ chế, chế biến cũng mới chỉ ở mức thô, chưa hình thành được liên kết ngang một cách bền chặt để thống nhất được giá cả, chất lượng nông sản hàng hóa cung ứng ra thị trường.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho biết, thách thức đặt ra khi phát triển chuỗi giá trị nông sản đó là cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiện nay chưa hợp lý, năng suất nông sản chưa cao. Trong khi nhu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững đang đặt ra yêu cầu nông dân, HTX, doanh nghiệp đổi mới quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ để hạn chế thất thoát sau thu hoạch.
Tại Diễn đàn, hàng loạt các giải pháp được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra để tìm hướng phát triển các chuỗi giá trị bền vững. |
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn chứng, tại các HTX, đơn vị thủy sản hiện nay, thất thoát sau thu hoạch rơi vào khoảng 15-42% vì đa số vẫn còn tàu nhỏ, công nghệ làm lạnh kém dẫn đến thời gian bảo quản bị rút ngắn, chất lượng thủy sản chưa cao làm hạn chế khả năng trong tiêu thụ, xuất khẩu.
Vướng mắc này là do việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên để phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân vẫn còn chưa hợp lý dẫn đến thoái hóa đất đai, ô nhiễm nguồn đất, nước, không khí. Điều này khiến sản xuất nông nghiệp không được bền vững, khó phát triển được các chuỗi giá trị và ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Khẳng định việc khó phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả hiện nay là do nông dân, HTX không hưởng lợi trong việc tiếp cận thông tin từ đội ngũ tham tán ở nước ngoài, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng điều này dẫn đến tình trạng người dân, HTX không có được thông tin thị trường đa dạng dẫn tới tiêu thụ khó khăn trong khi đầu ra là khâu vô cùng quan trọng trong phát triển chuỗi cũng như phát triển HTX.
“Vì không nhận được thông tin từ đội ngũ tham tán ở các nước nên nông dân, HTX hiện nay đa phần phải tự tìm thị trường cho mình. Khi đó, họ nhận thấy Trung Quốc là thị trường phù hợp để tiêu thụ nông sản vì vừa gần, vừa có nhu cầu thu mua số lượng lớn và đa dạng. Trong khi những thị trường khác vừa xa, vừa khó nắm bắt thông tin”, ông Phụng chỉ rõ.
Đồng ý với quan điểm khó tiếp cận thông tin thị trường từ các đội ngũ tham tán ở nước ngoài khiến nông dân, HTX, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc lên kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy còn cho rằng, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi phát triển chuỗi giá trị vì 80% thị phần các kho hàng hiện đại đang nằm trong tay doanh nghiệp ngoại. Trong khi Trung Quốc là thị trường phát triển mạnh về công nghệ bảo quản, còn Thái Lan dù là nước cùng nằm trong khu vực nhưng rất mạnh về chế biến nông sản. Ngoài ra, hai nước này đều rất mạnh và chú trọng đầu tư cho vấn đề kho hàng, logistics.
Tạo chất kết dính bền chặt cho chuỗi
Có thể thấy rất nhiều điểm nghẽn từ ứng dụng công nghệ, tìm kiếm thị trường, truy xuất nguồn gốc, kho vận, liên kết đang khiến chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam chưa thực sự phát triển.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước có hơn 32.000 HTX, trong đó có 21.991 HTX nông nghiệp nhưng mới có khoảng 4.000 HTX thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, 2.000 HTX đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao và trên 3.000 HTX thành lập doanh nghiệp trong HTX.
Những con số này được các chuyên gia đánh giá là chưa thực sự phát huy được tiềm năng về sản xuất nông nghiệp vì đây là ngành nghề được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới thực trạng nông sản do người dân, HTX làm ra hiện nay vẫn chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Và không ít người dân, HTX vẫn phải tự mày mò, tìm hướng để tiêu thụ nông sản cho chính mình.
Đến nay, đã có 104.000 ha vùng nguyên liệu được phát triển bởi mối liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. |
Trước thực trạng này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng chuỗi giá trị ở Việt Nam chưa phát triển là do người dân, thành viên HTX chưa hiểu đúng vai trò của mô hình kinh tế tập thể nên chưa hào hứng vào HTX, từ đó chưa thúc đẩy HTX liên kết.
Dẫn chứng tại Hàn Quốc, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, nước này đang có hệ thống siêu thị với 400 siêu thị liên kết chuyên trưng bày nông sản của nông dân, HTX. Dưới hệ thống siêu thị này còn có đến 300 cửa hàng cũng chuyên bán nông sản của nông dân, HTX. Tại đây, những nhà quản lý chuỗi siêu thị đặt ra quy định là những sản phẩm, nông sản của nông dân, HTX được hoàn toàn miễn các loại thuế, phí. Đồng thời, họ có chương trình đào tạo cho nông dân, HTX về sản xuất nông sản theo chuỗi và nâng cao nhận thức của nông dân, thành viên về mô hình HTX.
“Cho nên người dân, thành viên tại Hàn Quốc khi tham gia chuỗi giá trị, họ rất hiểu về vai trò của HTX và vai trò của mối liên kết. Còn tại Việt Nam, gánh nặng của mô hình HTX, của chuỗi liên kết vẫn đang đè nặng lên vai của các giám đốc HTX”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá.
Chính vì vậy, để phát triển được chuỗi giá trị hàng hóa, người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam cho rằng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, cần hình thành các module để đào tạo thành viên, nông dân, doanh nghiệp để họ hiểu được rằng những người dân dù chỉ là những nhân tố đơn lẻ nhưng một khi đã tham gia chuỗi giá trị cũng sẽ hiểu được vai trò của HTX, vai trò của hợp đồng liên kết, từ đó thu hút được nông dân vào HTX và tránh tình trạng bẻ kèo khi đã ký kết các hợp đồng.
“Thành viên HTX là người quyết định sự thành công của chuỗi giá trị nhưng hiện nay họ lại chưa được đào tạo nên chưa hiểu được thế nào là chuỗi giá trị hàng hóa”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng, điều cần làm lúc này là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh liên kết giữa HTX với HTX, HTX với doanh nghiệp, viện nghiên cứu, nhà khoa học để tạo ra chất kết dính bền chặt cho chuỗi giá trị.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng hiện Việt Nam đã có 11 nhóm mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trở lên nhưng thương hiệu nông sản chưa được khẳng định trên thị trường quốc tế. Điều này là do vai trò của HTX chưa được người dân và các địa phương hiểu đúng dẫn đến chưa có cơ chế phù hợp.
Dẫn chứng từ châu Âu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, châu Âu từng sai lầm khi loại bỏ mô hình HTX dẫn đến hàng loạt khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu, nâng cao đời sống người dân. Do đó, hiện các nước châu Âu đã phải khôi phục và tập trung mọi nguồn lực để phát triển lại mô hình này vì nhận thấy HTX là nhân tố không thể thiếu trong nâng cao chất lượng nông sản, phát triển các chuỗi giá trị bền vững để thúc đẩy kinh tế xã hội.
“Điều này cho thấy vai trò của HTX trong hệ sinh thái nông nghiệp là rất quan trọng và cần tập trung những nguồn lực, chính sách tổng hợp từ chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đầu tư công nghệ, phát triển thị trường… để thúc đẩy mô hình này phát triển. Điều này cũng khắc phục được những thách thức của ngành nông nghiệp trong quá trình hội nhập”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh
Nguồn tin: VNBUSINESS::
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn