Mới đây, 3 tấn xoài Cát Chu Cao Lãnh do HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (tỉnh Đồng Tháp) sản xuất và kết hợp cùng một doanh nghiệp trong tỉnh xuất sang thị trường châu Âu. Mức giá xuất khẩu xoài là 11-13 EUR/kg, còn mức giá bán xoài tại các siêu thị là 18 EUR/kg.
Tính chuyện đường dài
Ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc HTX Tịnh Thới chia sẻ, lô xoài 3 tấn dù không lớn nhưng đó là lô hàng đầu tiên của năm 2022. Đặc biệt, qua lần liên kết xuất khẩu này, HTX tiếp tục mở rộng thị trường cho sản phẩm đặc trưng của địa phương, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Và đây cũng là định hướng của HTX ngay từ khi thành lập.
Hay như tại HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (Sơn La) có 200 ha thanh long ruột đỏ nhưng nhờ đẩy mạnh nâng cao chất lượng và tìm kiếm thị trường mà đến tháng 1 vừa qua, HTX tiêu thụ được 1.500 tấn thanh long cho các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu 20 tấn sang Nga. Ngoài ra, HTX cũng đưa hàng mẫu sang Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất), Pháp để giới thiệu, tiếp thị sản phẩm.
Xoài hay thanh long đều là những mặt hàng chủ lực của nhiều HTX và cũng là sản phẩm đặc trưng của nhiều địa phương với diện tích không nhỏ. Đồng Tháp đang có khoảng 13.000 ha xoài, sản lượng trên 130.000 tấn/năm. Trong đó, riêng HTX Tịnh Thới có trên 1.000 ha xoài. Còn ở Sơn La, dù mới phát triển loại cây thanh long trong những năm gần đây nhưng tỉnh đã đã có gần 500 ha thanh long, trong đó riêng HTX Ngọc Hoàng đã phát triển khoảng 200 ha.
Thành viên HTX Tịnh Thới phấn khởi khi mới đầu năm, xoài đã được doanh nghiệp thu mua để xuất sang châu Âu. |
Từ số liệu trên có thể thấy, nếu các địa phương cũng như các HTX ở Đồng Tháp và Sơn La không có các giải pháp tìm đầu ra cho xoài, thanh long mà chỉ dựa vào một thị trường Trung Quốc thì với sản lượng hằng năm như vậy, đầu ra cho nông sản sẽ lại rơi vào cảnh ùn ứ, thậm chí là phải giải cứu.
Giám đốc Võ Tấn Bảo cho biết, để xuất khẩu được sang châu Âu, HTX Tịnh Thới đã phải thay đổi mô hình sản xuất từ đơn lẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi. HTX cũng xúc tiến, tìm kiếm thị trường để giải quyết đầu ra cho quả xoài.
Nỗ lực của HTX đến nay đã có những kết quả cụ thể. Khi cửa khẩu xuất sang Trung Quốc đang bị ùn tắc, năm ngoái, HTX đã thực hiện liên kết để xuất khẩu xoài sang Mỹ, Malaysia và gần đây là sang thị trường châu Âu. Đây chính là minh chứng cho sự nỗ lực của HTX này trong việc triển khai các hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu nông sản, mở ra triển vọng trong việc tiếp tục chinh phục các thị trường khó tính theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững, nâng giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên, nông dân.
Trong khi đó, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn mới đây đã có thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh để xuất sang Trung Quốc từ ngày 16 - hết ngày 25/2. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai cũng vừa nhận được tin từ Ban Quản lý cửa khẩu Hà Khẩu - Trung Quốc thông báo tạm thời ngừng hoạt động nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu này từ ngày 17/2 để phòng chống dịch Covid-19…
Như vậy, có thể thấy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ vẫn còn khó khăn. Trong bối cảnh như vậy, việc các HTX liên kết với doanh nghiệp đưa nông sản lên đường xuất khẩu sang các thị trường khác càng có ý nghĩa quan trọng, giúp tháo gỡ đầu ra cho nông sản.
Cần sự linh hoạt
Theo các chuyên gia, dự báo nhu cầu tiêu thụ nông sản thời gian tới vẫn không mấy khả quan vì dịch còn phức tạp. Do đó, ngoài tận dụng thị trường nội địa thì làm sao để có các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường khác là việc không hề đơn giản, nhất là các HTX hiện nay chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, đang gặp khó khăn về giá thành vật tư đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao.
Trong một buổi chia sẻ gần đây về vấn đề xuất khẩu nông sản, bà Trần Thị Trang Như - CEO Công ty xuất nhập khẩu Saigon Exim kiêm Phó Chủ tịch Câu lạc bộ hữu nghị và hợp tác Việt Nam- Ả Rập (VAFC) cho biết, mỗi nước, mỗi thị trường sẽ có những nhu cầu về nông sản, thực phẩm khác nhau, đi liền với đó là những điểm mạnh, điểm yếu để các HTX tìm hiểu và lựa chọn.
Chẳng hạn như thị trường Mỹ, châu Âu yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng nên các loại giấy chứng nhận là điều kiện cần và đủ đối với HTX nếu muốn xuất khẩu. Thế nhưng, đối với các nước Ả Rập thì các chính sách thương mại tự do như thuế quan thấp, các tiêu chuẩn không hạn chế. Đây chính là cơ hội cho các HTX, vì quy mô hoạt động của nhiều HTX hiện đang giống với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sơn La là một trong những địa phương tìm được đầu ra thuận lợi cho quả thanh long và nhiều nông sản khác nhờ đa dạng thị trường đầu ra. |
Tuy nhiên, muốn xuất khẩu dù ở thị trường nào cũng cần hiểu được khách hàng và đối thủ. Và đối thủ ở hầu hết các thị trường của các HTX hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc và Thái Lan. Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam, cho biết hiện nay, con đường tơ lụa của Trung Quốc ngày càng mở rộng và sức ảnh hưởng của hàng hóa Trung Quốc đến các nước cũng rất lớn. Đây là khó khăn của các HTX vì doanh nghiệp Trung Quốc hay cho doanh nghiệp đối tác nợ tiền từ 1, 3 đến 6 tháng. Còn doanh nghiệp Thái Lan thì rất giỏi marketing, sản phẩm rất đẹp về cảm quan, lại có đường bay thẳng đến nhiều nước.
Chính vì vậy, các HTX muốn xuất khẩu được thuận lợi trước tiên phải bảo đảm về chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn như vải sấy ở Thái Lan luôn có màu đỏ chót, cam sấy thì vàng chóe vì họ cho thêm chất tạo màu, nhiều đường nên giá rẻ. “Nhưng nếu các HTX sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, chú trọng yếu tố tự nhiên và có giấy chứng nhận đầy đủ thì đây chính là điểm mạnh để thuyết phục các thị trường từ khó tính đến dễ tính”, bà Huyền chia sẻ.
Bà Trần Thị Trang Như cũng cho biết thêm, nếu muốn xuất khẩu sang các nước đạo Hồi thì không nhất thiết cứ phải có chứng nhận Halal, trừ khi đó là thực phẩm chế biến. Nếu HTX có sản phẩm hữu cơ, thiên nhiên 100% thì khách hàng sẽ không cần đến giấy chứng nhận Halal. “Điều này cần sự linh hoạt của các HTX hơn là cứ mất công, mất tài chính đi làm liền một lúc nhiều loại giấy chứng nhận”, bà Như nói.
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), chính vì vậy các HTX cần tận dụng tốt điều này để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, các HTX phải phát triển hàng hóa theo quy hoạch thống nhất. Đặc biệt, phải tổ chức kết hợp với doanh nghiệp trong sản xuất, lưu thông, xuất khẩu thành một chuỗi sản xuất kinh doanh để phát huy hiệu quả hoạt động xuất khẩu và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Nguồn tin: VNBUSINESS:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn