Chia sẻ về những thăng trầm trên hành trình đưa HTX uy tín như ngày nay, chị Nhung tâm sự: “HTX được thành lập năm 2003, đến năm 2016 chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 37 thành viên và 30 lao động thường xuyên được chia thành 6 tổ, đội sản xuất với số vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Bộ máy quản lý điều hành gồm 10 người, luôn đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng HTX kiểu mới với phương châm tạo ra lợi ích cho thành viên để HTX tồn tại và phát triển”.
Chị Hoàng Thị Nhung giao dịch với khách hàng đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
Được biết, HTX tập trung tổ chức sản xuất kinh doanh các lĩnh vực: Sản xuất kinh doanh, vật liệu xây dựng; nhà nghỉ, vận tải hàng hoá; xây dựng, cho thuê các thiết bị máy móc; xây dựng các công trình điện từ 0,4KV đến 35KV; kinh doanh vật tư nông nghiệp và vệ sinh môi trường. Các dịch vụ sản xuất kinh doanh của HTX luôn đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện, tạo niềm tin giữa thành viên với HTX. Đơn vị đóng góp vào ngân sách địa phương hàng tỷ đồng tiền thuế mỗi năm.
Hiện nay, cơ chế kinh tế thị trường có nhiều thách thức, đặc biệt do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh chung của các doanh nghiệp, HTX. Tuy nhiên, chị Hoàng Thị Nhung đã xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, đặt ra chỉ tiêu, lập kế hoạch cụ thể cho hoạt động, tìm kiếm việc làm cho thành viên, xây dựng uy tín đối với khách hàng. Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh được chị quan tâm và thực hiện, nhất là lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng.
Điển hình như trước đây, tại mỏ khai thác đá chỉ bằng phương pháp thủ công chủ yếu bằng tay, công suất 100m3 đá/ngày; nhưng khi ứng dụng thiết bị hiện đại bằng giàn máy khoan, máy xay đã nâng công suất khai thác tối đa lên 600m3 đá/ngày, đảm bảo cung ứng vật liệu xây dựng cho các công trình xây dựng trên địa bàn huyện và các vùng lân cận. Khu vực chế biến của mỏ được đầu tư hoàn thiện gồm 3 dây truyền, công suất chế biến sản lượng 20.000m3 đá các loại/năm. Chị Nhung còn chú trọng các biện pháp bảo vệ môi trường như: triển khai hệ thống tưới nước dập bụi bằng ống dẫn trên các trạm nghiền sàng, hệ thống rửa đá trên sàn và toàn bộ bãi khai thác đá. Hiện, mỏ đá đang sử dụng hệ thống phun tưới nước thông minh (phun sương) đạt hiệu quả cao để khống chế bụi tại trạm nghiền sàng. Đồng thời, xây dựng 3 bể nước hơn 220m3 nước đáp ứng công tác phun sương và 1 xe chuyên dụng phun nước khi có hoạt động vận chuyển đá thành phẩm, tránh ảnh hưởng người dân xung quanh. Đơn vị cũng thực hiện trồng cây xung quanh bãi khai thác đá để che chắn bụi.
Chị Hoàng Thị Nhung còn quan tâm thành lập tổ chức công đoàn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Thực hiện đóng bảo hiểm đối với thành viên HTX, người lao động; thanh toán đầy đủ lương và các chế độ khác theo quy định. Lập quỹ phúc lợi, quỹ thi đua khen thưởng để kịp thời động viên người lao động có thành tích tốt trong lao động sản xuất. Cho vay vốn, giúp đỡ người lao động có hoàn cảnh khó khăn yên tâm lao động sản xuất; tạo điều kiện để thành viên và người lao động được làm việc trong môi trường trong lành, an toàn nhất. Trang cấp đầy đủ các loại phương tiện, bảo hộ (quần áo, giày, mũ, dây); chủ động phòng chống cháy nổ theo quy định. Từ khi hoạt động đến nay HTX không để xảy ra vụ mất an toàn lao động tại mỏ đá.
Anh Mai Văn Tùng (lái máy xúc tại HTX Phương Nhung) cho biết: “Tôi làm ở HTX được 7 năm, lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tôi và người lao động thường xuyên được chị Nhung, đơn vị thăm hỏi, động viên khi ốm đau hoặc gia đình có việc hiếu, hỷ; thực hiện khám sức khỏe định kỳ; được đóng các chế độ bảo hiểm”.
Với chiến lược kinh doanh hợp lý gắn lợi ích với bảo vệ môi trường, chị Hoàng Thị Nhung đang đưa HTX ngày càng phát triển, tạo việc làm cho lao động, tăng thu ngân sách địa phương, thúc đẩy kinh tế của huyện nhà.
Nguồn tin: Lai Châu online:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn