Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, cả nước có tổng cộng 29.021 HTX, trong đó có 19.384 HTX nông nghiệp, chiếm 68,8%, 8.456 HTX phi nông nghiệp, chiếm 29,1%; 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 4,1%. Các HTX thu hút khoảng 6,4 triệu thành viên với 2,6 triệu lao động. Tổng vốn điều lệ của các HTX khoảng 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/HTX. Tổng giá trị tài sản của các HTX khoảng 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng. Các HTX đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng hoạt động, doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm. Tuy nhiên, còn không ít HTX, nhất là các HTX nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiếu vốn, công nghệ, trình độ quản lý yếu kém và đặc biệt khó khăn trong khâu đầu ra, chưa biết cách tiếp cận, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối bán lẻ hiện đại, chưa tận dụng được những lợi thế của cuộc CMCN 4.0., tỷ lệ HTX nông nghiệp ứng dụng marketing hiện đại còn thấp.
Marketing hiện đại không phải là một khái niệm hoàn toàn mới, nó chỉ là sự thay đổi của marketing truyền thống về phương thức triển khai và dưới sự phát triển của công nghệ số. Cơ sở hình thành quan trọng cho marketing hiện đại chính là marketing truyền thống. Có thể hiểu:
Marketing hiện đại (bao gồm cả marketing số, marketing trực tuyến, marketing điện tử, ...) là toàn bộ những hoạt động của DN, HTX nhằm xác định những nhu cầu, yêu cầu, thị hiếu chưa được thỏa mãn của khách hàng và tiếp cận khách hàng dựa trên nền tảng số và internet.
Hình ảnh livestream bán hàng của các HTX nông nghiệp (tỉnh Thái Nguyên)
Qua khảo sát thực tế các HTX nông nghiệp, chỉ một số ít HTX nông nghiệp có ứng dụng các phương thức marketing hiện đại và cũng chỉ dừng ở mức độ đơn giản; Điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các HTX nông nghiệp chưa được chú trọng đầu tư; Đội ngũ cán bộ của nhiều HTX có độ tuổi trung bình cao, ngại đổi mới, ngại tiếp cận công nghệ mới. Phần lớn các HTX nông nghiệp hiện vẫn ứng dụng các hoạt động marketing theo phương thức truyền thống, chưa tạo sự chuyển biến căn bản trong cách thức tổ chức hoạt động marketing, chưa có kế hoạch, định hướng theo chuyển đổi số hoặc ứng dụng các phương thức marketing hiện đại. Bên cạnh đó, phương thức làm việc truyền thống bằng văn bản hoặc trao đổi công việc trực tiếp vẫn đang được duy trì; các HTX chưa thực sự chú trọng xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm. Đối với một số HTX có ứng dụng chuyển đổi số, marketing hiện đại thường có đội ngũ cán bộ quản lý trẻ, có trình độ, sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới.
Để tăng cường ứng dụng marketing hiện đại trong các HTX nông nghiệp, cần chú trọng triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và tinh thần chủ động ứng dụng marketing hiện đại trong hoạt động SXKD của các HTX nông nghiệp.
Thứ hai, Rà soát, bổ sung chính sách, cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các HTX nông nghiệp và phát huy vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy ứng dụng marketing hiện đại.
Thứ ba, Tăng cường hiệu quả công tác tư vấn hỗ trợ của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và các ban, ngành liên qua.
Thứ tư, Nâng cao năng lực nội tại của các HTX nông nghiệp thông qua phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; Liên kết với các HTX, các DN và các thành phần kinh tế khác, mở rộng quy mô sản xuất.