Theo dự báo, nhu cầu thị trường toàn cầu với trái cây giai đoạn 2019-2025 sẽ tăng 8,2% mỗi năm và đạt 585,25 tỷ USD vào năm 2025. Cơ hội đang rộng mở để đưa trái cây Việt Nam ra với thị trường thế giới và đó cũng là thị trường tiềm năng cho các HTX sản xuất trái cây Việt Nam.
Tiêu chuẩn khắt khe
Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Tổng lãnh sự tại Sydney, Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, 7 tháng đầu năm 2021, lượng hàng rau quả Việt Nam nhập khẩu vào Australia tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 46,5 triệu USD.
Nhiều loại trái cây của Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Australia như thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài... Ngoài trái cây tươi, Việt Nam còn xuất khẩu vải sấy khô, sầu riêng đông lạnh. “Với sự vượt trội về chất lượng, sầu riêng đông lạnh xuất sang Australia đã cháy hàng chỉ sau vài ngày mở bán tại siêu thị”, ông Hòa chia sẻ.
Có thể thấy, nông sản Việt ngày càng được các nước quan tâm thông qua hoạt động kết nối giao thương và hỗ trợ quảng bá để thương hiệu nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng thế giới. Mặt khác, nhờ người dân, HTX không ngừng nâng cao chất lượng, thực hiện sản xuất theo chuỗi nên trái cây bán ra có giá cao hơn nhiều lần so với tiêu thụ nội địa.
Nhờ bảo đảm chất lượng, xoài Đồng Tháp được nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm. |
Chẳng hạn, một trái thanh long bán ở thị trường Pakistan có giá gần 120.000 đồng, quả vải tươi được bày trên kệ siêu thị ở Nhật với giá 500.000 đồng/kg. Xoài cát chu bán tại Nhật với giá 100.000 đồng/quả, thanh long ruột đỏ bán ở Nhật với giá từ 250.000-300.000 đồng/quả…
Tuy nhiên, để xuất khẩu được đòi hỏi các HTX phải vượt qua hàng loạt những tiêu chuẩn khắt khe của các nước, thậm chí mỗi nước nhập khẩu lại có những quy định riêng.
HTX Xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) là một trong những đơn vị có nhiều năm xuất khẩu xoài sang Trung Quốc, Mỹ Nga… Nếu như xuất khẩu sang Nga, xoài chỉ cần bảo đảm mẫu mã đẹp đi kèm với độ ngọt tương ứng. Tuy nhiên, khi xuất khẩu sang Mỹ, HTX phải bảo đảm xoài có độ đồng đều cao, mỗi quả phải đạt 260gam, vỏ xoài phải bóng láng mịn không một vết châm chích.
Chính vì vậy, HTX phải luôn giám sát nông dân, thành viên sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP mà doanh nghiệp nước bạn yêu cầu. Để tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong khoảng 1 tháng trước khi hái xoài, các thành viên phải dừng nhiều loại phân, thuốc vì đây là điều cấm kỵ đối với các doanh nghiệp Mỹ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh cho biết, khi tiêu thụ sang Trung Quốc hoặc một số quốc gia dễ tính, trái cây có thể chỉ cần đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc sản xuất theo quy trình hữu cơ trong nước. Tuy nhiên, muốn xuất trái cây sang Anh, bắt buộc HTX phải có chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Thực tế cho thấy, không phải trái cây nào của Việt Nam ăn ngon, được chứng nhận sản xuất an toàn đều có thể mang đi xuất khẩu. Bởi theo các chuyên gia mỗi loại trái cây có những quy trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển khác nhau. Nếu không bảo đảm đúng quy định của nước nhập khẩu thì việc xuất khẩu rất khó và còn làm ảnh hưởng đến giá trị, thương hiệu của từng loại trái cây.
Bên cạnh đó, hiện tất cả các thị trường đều yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm cũng như an toàn thực phẩm. Không chỉ Anh yêu cầu phải có chứng nhận GlobalGAP, mà thị trường châu Âu (EU), Mỹ cũng có quy định tương tự. Ngoài ra, các nước này còn yêu cầu xưởng chế biến của HTX, doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn ISO, nhà máy phải đạt chuẩn HACCP.
Hay ngay như thị trường Trung Quốc hiện nay cũng yêu cầu phải có mã số vùng trồng mới nhập khẩu. Nên dù HTX xuất sản phẩm tươi hay sản phẩm chế biến thì đều phải đáp ứng chất lượng và yêu cầu nhất định của từng đối tác.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, khi khách hàng yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, bản thân các HTX phải làm ăn bài bản, tìm hiểu nhu cầu của đối tác để xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp nhằm xây dựng lòng tin, tránh trường hợp hàng bị trả về.
Thị trường đa dạng
Không chỉ có những quy định chặt chẽ về chất lượng, hàng loạt các yếu tố về thị trường cũng cần các HTX quan tâm để thu hút đối tác và tránh rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá”.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, nông dân hiện nay vẫn còn nhìn nhận thị trường một chiều. Những loại trái cây nào Trung Quốc thu mua nhiều, người dân đua nhau mở rộng diện tích mà không để ý là thực tế ở nước họ cũng trồng được rất nhiều loại nông sản Việt Nam đang trồng, thậm chí chất lượng còn tốt hơn.
Do đó, khi vào vụ thu hoạch nhiều loại trái cây của Trung Quốc, nước này sẽ không nhập hàng mà thực hiện xuất ngược sang Việt Nam. Chính vì vậy, để xuất khẩu “suôn sẻ” sang Trung Quốc, ông Lai cho rằng HTX, doanh nghiệp ở Việt Nam cần tìm hiểu rõ khi nào nước này cần nhập loại trái cây gì, nhập với số lượng bao nhiêu và khi nào đến vụ thu hoạch của họ để chủ động điều chỉnh sản xuất, thu hoạch cho hợp lý.
Hay đối với thị trường Pakistan, bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, Pakistan chủ yếu nhập khẩu trái cây từ các nước láng giềng nên việc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam chưa nhiều. Tuy nhiên, lợi thế lớn khi xuất khẩu sang nước này là có thủ tục đơn giản, có thể thực hiện thông quan hàng hóa bằng phương thức điện tử. Các loại trái cây xuất sang Pakistan không yêu cầu phải chiếu xạ.
Thế nhưng, chính vì những lý do trên mà khi xuất sang Pakistan, hàng của Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với hàng giá rẻ của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…
Để tiếp cận thuận lợi thị trường này, bà Nguyễn Thị Điệp Hà lưu ý, các HTX nên chú trọng đầu tư cho vận chuyển lạnh hoặc đầu tư vào những sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao để có thể cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, các HTX, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng những quy định về nhãn mác của sản phẩm khi nhập khẩu vào Pakistan, bởi người dân ở đây chủ yếu sử dụng tiếng Ả Rập.
Có thể thấy, để thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang các thị trường tiềm năng, các HTX không chỉ cần chú trọng vào quy trình sản xuất mà phải hiểu chi tiết, cụ thể nhu cầu của thị trường mà mình hướng đến.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là công tác bảo đảm chất lượng vẫn chưa được chú trọng, điển hình nhất là về công nghệ bảo quản. Nhiều nước như Nhật, Mỹ yêu cầu trước khi xuất khẩu, trái cây phải được chiếu xạ nhưng hiện nay Việt Nam mới có 1 nhà máy chiếu xạ ở miền Nam.
Bà Trần Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận cho biết, đối những HTX ở miền Trung và miền Bắc, nếu đưa trái cây về nhà máy chiếu xạ ở miền Nam thì phải vận chuyển bằng máy bay nên chi phí đội lên rất cao. Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển, tháo dỡ, kiểm tra hàng nhiều lần cũng ảnh hưởng đến chất lượng của các loại quả.
Không chỉ thiếu nhà máy chiếu xạ, nhiều HTX mới chỉ cung cấp hàng thô nên chưa đáp ứng được thị hiếu khách hàng ở những nước phát triển, ưa những sản phẩm chế biến sẵn và đa dụng.
Để rộng đường xuất khẩu, các chuyên ra cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ người dân, HTX áp dụng công nghệ trong bảo quản và chế biến sản phẩm. Việc đa dạng các mặt hàng trái cây từ truyền thống đến các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao sẽ là cách tốt nhất để nâng giá trị sản phẩm và thu hút được các đối tác nước ngoài.
Nguồn tin: VNBUSINESS:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn