Tuy đạt được những thành công trong việc trồng dược liệu, phát triển du lịch tại Lào Cai nhưng chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp ngày 7/12, đại diện HTX Dao đỏ (Lào Cai) cho biết, HTX rất cần các bộ ngành quan tâm bố trí nguồn lực về vốn nhằm hỗ trợ HTX. Bởi từ khi thành lập đến nay, HTX chưa tiếp cận được với nguồn hỗ trợ của ngân hàng. Trong đó, vốn mà HTX đang có chủ yếu là do các thành viên được vay từ chương trình giảm nghèo.
Dư nợ tín dụng cho HTX còn khiêm tốn
Có thể thấy, vốn chính là một trong những khó khăn của các HTX nói chung và HTX phi nông nghiệp nói riêng. Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết thực tế tìm hiểu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến nay chưa đầy 10% số HTX (2.500 HTX) được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong khi số HTX cả nước là khoảng 26.800 HTX, riêng lĩnh vực phi nông nghiệp là 9.316 HTX.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hành Nhà nước Việt Nam cho biết số lượng HTX được tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn còn quá nhỏ. |
“Con số này là rất nhỏ và dư nợ tín dụng chung của các HTX đến thời điểm này là khoảng 5.600 tỷ đồng cũng là quá khiêm tốn so với nhu cầu cầu thực của các HTX”, ông Tú khẳng định.
Việc các HTX, đặc biệt là các HTX phi nông nghiệp chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng là do có nhiều HTX thiếu công khai minh bạch thực hiện chưa đúng các quy định về quản lý tài chính, kế toán, không tuân thủ được nguyên tắc của Luật HTX năm 2012, do vậy thiếu cơ sở pháp lý để vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Chia sẻ của đại diện HTX Dao đỏ cho thấy, việc HTX chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng là bởi các thành viên tuy có diện tích đất lớn nhưng chưa được địa phương cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đủ điều kiện hồ sơ vay vốn.
Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của các HTX còn thấp, chưa gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cũng như chưa liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị nên chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi để tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.
Hiện, vẫn có nhiều hộ dân tự vay vốn tại các tổ chức tín dụng thay vì thông qua HTX. Có tình trạng này là do quan hệ giữa HTX và thành viên còn thiếu sự gắn kết, chưa tạo động lực cho người dân tham gia sử dụng các dịch vụ của HTX.
Ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía các HTX vẫn còn đó những nguyên nhân khách quan từ cơ chế chính sách. Cụ thể, một số quy định tại Luật HTX năm 2012 đã gây khó khăn do đặc thù hoạt động của các tổ chức tín dụng hoạt động theo mô hình HTX. Cụ thể như đa số các HTX, trong đó có hệ thống quỹ tín dụng nhân dân có vốn điều lệ nhỏ. Việc thay đổi vốn điều lệ dưới 10% hầu như không làm thay đổi quy mô HTX. Tuy nhiên, hằng năm khi các HTX này có thay đổi nhỏ về vốn điều lệ cũng phải thực hiện đăng ký kinh doanh. Điều này gây lãng phí về thời gian, tiền bạc đồng thời tạo áp lực lên hệ thống hành chính công.
Bên cạnh đó còn có sự chồng chéo, lúng túng trong việc áp dụng một số quy định tại Luật các tổ chức tín dụng 2010 và Luật HTX năm 2012 đối với các quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng HTX.
Cần cái nhìn từ hai phía
Để giải quyết vấn đề về tín dụng cho các HTX, ông Đào Minh Tú cho rằng cần có cái nhìn từ hai phía. Trước tiên là các địa phương cần phải hiểu vì sao nguồn vốn tín dụng không tăng và không đáp ứng được nhu cầu của các HTX. Đặc biệt chủ trương, định hướng phát triển HTX ở các địa phương hầu như là tăng và phát triển qua các năm.
Nhìn ở góc độ ngân hàng, vấn đề của các HTX hiện nay là cần phải làm rõ hơn về tư cách pháp nhân của tổ chức kinh tế tập thể, mà cụ thể là một mô hình HTX. Và đặc biệt trong đó là phải làm rõ được trách nhiệm, quyền hạn về mặt pháp lý, tài chính cũng như tài sản chung của các HTX. Trên cơ sở đó mới cho thấy sự phát triển ổn định của mô hình HTX, từ đó tạo tính minh bạch và là điều kiện cơ bản nhất, tốt nhất cho HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
Về phía các tổ chức tín dụng, cần mạnh dạn làm việc theo cách hướng đến cơ chế, chính sách riêng cho HTX, vì đây là mô hình sản xuất có những điểm khác biệt với mô hình doanh nghiệp như vốn chung, tài sản chung, và bị chi phối bởi nhiều chính sách của địa phương…
Theo ông Đào Minh Tú, khi có sự kết hợp của hai phía thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tăng nguồn vốn tín dụng cho các HTX. Thực tế cho thấy, nếu HTX thành lập và thiếu nguồn vốn hoạt động thì không thể trông chờ vào nguồn vốn đóng góp của các thành viên hay nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia hay nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
“Các nguồn vốn này không thể đáp ứng được hết nhu cầu để phát triển sản xuất kinh doanh của các HTX, nhất là các HTX phi nông nghiệp vốn cần nhiều nguồn lực để đầu tư”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Để làm được điều này, Phó Thống đốc kiến nghị các cơ quan nhà nước, các bộ ngành, Liên minh HTX Việt Nam trong thời gian tới cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách làm sao phù hợp cho cả hai bên nhằm giải quyết được nguồn tín dụng hỗ trợ các HTX. Lúc này, các HTX mới có điều kiện, nguồn lực phát triển.
Đặc biệt, hiện nay, các HTX phi nông nghiệp và các tổ chức tín dụng có vai trò quan trọng trong cung ứng vốn cho các thành viên. Cụ thể, số lượng HTX phi nông nghiệp đang chiếm đến 12,9% số lượng HTX trên cả nước. Để tạo điều kiện cho các HTX phi nông nghiệp phát triển, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị cần có cơ chế chính sách cho các tổ chức tín dụng là các HTX tạo sự kết nối, liên kết với các HTX khác của các loại hình khác trong hoạt động. Nếu như ở cùng một địa bàn mà có hai HTX thì một thành viên có thể tham gia 2 HTX. Điều này sẽ tạo sự gắn kết giữa mô hình HTX sản xuất kinh doanh và quỹ tín dụng trong HTX khác.
Nguồn tin: VNBUSINESS
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn