Ít ai biết được, 10 năm trước, cô sơn nữ Hà Thị Thuận từng bị bệnh viện trả về vì căn bệnh gan đã chuyển nặng. Giữa vực thẳm của tuyệt vọng, Thuận trở về quê nghiên cứu dược liệu, bắt đầu cuộc hành trình khởi nghiệp đầy nghị lực để thắp lên hy vọng, và chờ đợi một phép màu.
Đối diện với biến cố
Phù Yên là một thị trấn nhỏ “nửa rừng nửa phố” nằm ở trung tâm huyện Phù Yên. Nhiều năm trước, Hà Thị Thuận cũng giống như nhiều đứa trẻ ở vùng đất nghèo xơ xác này khao khát đuổi theo con chữ để mong thoát cảnh “chân lấm tay bùn”. Nhờ ham học, chị đỗ vào chuyên ngành lịch sử Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc.
Sau khi ra trường, trở thành một cô giáo, chị được phân công về dạy học ở Trường THCS Tường Hạ. Nhiều năm gieo chữ nơi bản cao, cuộc đời của chị có lẽ sẽ cứ êm đềm trôi đi cùng với bao thế hệ học trò nếu không có những biến cố về sức khỏe.
Hà Thị Thuận trải qua hơn 10 năm miệt mài với dược liệu quê hương. |
“Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề "bốc thuốc", bình thường sau những giờ lên lớp tôi vẫn thường cùng mẹ lên rừng hái thuốc, tìm thảo mộc. Năm 2010, khi cuộc sống đang trong giai đoạn đẹp nhất thì bất ngờ tôi phát hiện mình bị bệnh xơ gan, mọi thứ như đổ sập”, Hà Thị Thuận chia sẻ.
Bị bệnh viện trả về, chị mất một khoảng thời gian dài để cân bằng, sốc lại tinh thần và bước tiếp con đường được dự báo sẽ đầy những khó khăn ở phía trước. Sẵn tình yêu với cây dược liệu, chị bắt đầu hành trình nghiên cứu các bài thuốc với hy vọng tự cứu lấy mình.
Bằng kinh nghiệm của bản thân, chị bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về cây an xoa, một loại cây dược liệu truyền thống của người dân Tây Bắc, có tác dụng chữa bệnh gan được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Quá trình tìm thảo dược cũng là cơ hội để chị hiểu rõ hơn về các phương thuốc.
Mang cây an xoa về phơi khô, sắc thuốc uống thử, nhưng do chưa sử dụng đúng liều lượng, cách thức xử lý theo kiểu dân gian, và đặc biệt vì bệnh đã ở giai đoạn khá nặng nên sức khỏe của chị tiến triển không nhiều.
Thực tế phũ phàng đã gây ra những tổn thương ghê gớm, khiến Hà Thị Thuận gần như mất phương hướng, nhiều thời điểm muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi chị tình cờ nghe được câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng giống như một bông hoa”.
Như có một dòng điện chạy khắp người, cô sơn nữ nhận thấy mình trong câu hát của người nhạc sĩ. Quyết tâm vượt qua nỗi tuyệt vọng, sự dồn nén, quyết tâm đi tìm “bông hoa” của cuộc đời mình.
Làm “quân xanh” thử thuốc
Cuối năm 2015, sau gần 5 năm nỗ lực, khi đi thăm một người bạn làm nghề y tại huyện Sơn Động (Bắc Giang), được giới thiệu về cây nấm lim xanh, một loại cây có nhiều tác dụng hỗ trợ điều trị, chữa các bệnh về gan, Hà Thị Thuận như nhìn thấy một tia sáng cuối đường hầm.
Mang theo hy vọng và cây nấm lim xanh về nghiên cứu, chị quyết định kết hợp thử loại cây này cùng với cà gai leo và cây an xoa. Ngôi nhà nhỏ của gia đình biến thành xưởng điều chế, thử nghiệm thuốc. Bản thân chị cũng trở thành “quân xanh” thử thuốc.
“Thời điểm đó, như chẳng còn gì để mất, tôi tự thử thuốc bằng niềm tin nhiều hơn là sự tỉnh táo. Nhiều tháng trời không cho kết quả như mong muốn, tôi cứ uống thử rồi lại bỏ, điều chế lại, rồi lại uống thử, người gần như mất cảm giác với thuốc”, Hà Thị Thuận nhớ lại.
Hà Thị Thuận giới thiệu sản phẩm tại gian trưng bày, tiêu thụ của HTX. |
Sau nhiều lần thất bại, nhận ra kinh nghiệm của mình chưa đủ, chị lại bắt đầu hành trình “cầu cứu” các chuyên gia, tìm đến những nhà khoa học, kết nối với các viện y học cổ truyền trên cả nước để học hỏi. Trở về, chị quyết định thử kết hợp với liều lượng vừa đủ các loại dược liệu và cô thành cao.
Sau khi thay đổi cách tiếp cận, chị tiếp tục đối diện với hàng trăm lần thất bại, nhưng cuối cùng thành công cũng đến. Sau một thời gian thử nghiệm, chị thấy sức khỏe của mình được cải thiện. Kết quả khám sức khỏe định kỳ cho thấy men gan giảm, cấu trúc gan ổn định, tế bào trong gan được tái tạo.
Như một phép màu, hành trình 7 năm ròng rã tìm kiếm hy vọng, với vô số những lần đổ vỡ, thất bại đã giúp Hà Thị Thuận tìm ra bài thuốc để phòng và chữa bệnh về gan. Để chứng minh tính hiệu quả, sản phẩm ban đầu làm ra chị biếu những người có bệnh tương đồng dùng thử và cho thấy tác dụng nhanh.
Năm 2017, sản phẩm cao an xoa sau quá trình kiểm nghiệm chặt chẽ tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Viện Công nghệ sinh học và Cục Sở hữu trí tuệ, đã được đưa ra thị trường với đầy đủ đăng ký sản phẩm, thông tin, mã số, mã vạch.
Theo thời gian, càng ngày sản phẩm cao an xoa của cơ sở sản xuất hóa dược liệu Uyên Thuận càng được nhiều người biết đến và sử dụng, mở ra cơ hội phục hồi cho hàng nghìn bệnh nhân có bệnh liên quan đến gan như ung thư gan, viêm gan, men gan cao, gan nhiễm mỡ, xơ gan, mụn nhọt...
Hạnh phúc là một hành trình
Sau 2 năm hoạt động riêng lẻ để ổn định kinh doanh, năm 2019, Hà Thị Thuận quyết định thành lập HTX hóa dược và dược liệu Uyên Thuận, tiến hành nghiên cứu thêm nhiều loại dược liệu như cao gắm, cao bổ máu, trà an xoa, tinh dầu sả, dầu gội thảo dược, mặt nạ thảo dược...
Nhờ sự năng động trong hoạt động kết nối thị trường từ trực tiếp quảng bá đến giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội…, cùng với sự hỗ trợ từ địa phương, các sản phẩm của HTX hiện đã có mặt tại hơn 20 tỉnh thành trên cả nước, khắp từ Bắc vào Nam.
Hà Thị Thuận chia sẻ, việc thành lập HTX với chị không chỉ dừng lại ở mục tiêu nâng cao lợi nhuận mà còn hướng tới việc xây dựng một mạng lưới sản xuất dược liệu, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho những người tham gia, đặc biệt là những người nghèo, từ đó lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.
HTX hóa dược và dược liệu Uyên Thuận hiện có 12 thành viên, gần 40 hộ liên kết, tạo việc làm cho trên 30 lao động địa phương. Ngày 25/12/2020, cao An Xoa của HTX được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, thương hiệu ngày càng được khẳng định.
Đến nay, HTX đang liên kết với 37 hộ nông dân mở rộng vùng trồng 3 loại cây dược liệu chính, gồm an xoa, hoa đậu biếc và cà gai leo, với tổng diện tích gần 60 ha tại các xã Huy Hạ, Huy Bắc, Đá Đỏ, Bắc Phong, Mường Cơi (huyện Phù Yên) và xã Thu Cúc (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ).
Chị bộc bạch: “Hơn 10 năm lập nghiệp, có lẽ tôi chỉ hơn người ở sự kiên trì, đây cũng chính là điểm tựa giúp tôi vượt qua khó khăn, kiếm tìm hạnh phúc. Dù thế nào, tiền bạc cũng không thể biến tôi thành một con người khác. Lòng tin và sự chân thành luôn song hành trong tất cả mọi việc mà tôi đã làm”.
Hiện, ngoài thời gian chăm vườn, nghiên cứu, chị hay lui tới các vùng trồng dược liệu nổi tiếng trong và ngoài tỉnh để học hỏi, lên mạng lục tài liệu về trồng trọt, thiết kế vườn rừng. Chị cũng thường gọi điện hỏi thăm các chuyên gia mỗi khi gặp vấn đề trong sản xuất.
Song song với đó, HTX của chị đang đầu tư máy móc và khu vực nhà xưởng tinh chiết theo hướng hiện đại, khép kín theo quy trình một chiều để thuận tiện cho sản xuất. Việc hiện đại hóa cũng là một trong những bước chuẩn bị để HTX có thể bứt tốc khi những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đi qua.
“Ước mơ của tôi là HTX ngày càng lớn mạnh, chuỗi sản xuất dược liệu của chúng tôi ngày càng được mở rộng, tạo thêm việc làm cho nhiều người hơn, góp phần xây dựng những vùng quê nghèo trở nên trù phú, giàu đẹp. Chắc chắn phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin nếu đủ yêu hạnh phúc sẽ tới”, Hà Thị Thuận nói.
Nguồn tin: VNBUSINESS:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn