Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: "Nậm Nhùn là địa phương còn nhiều khó khăn nhất là địa hình hiểm trở, giao thông chưa được đầu tư đồng bộ. Trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, sản xuất nông nghiệp mang nặng tính tự cung, tự cấp, người dân chưa áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi. Do đó đời sống, thu nhập của bà con nơi đây còn nhiều thiếu thốn. Đặc biệt là tình trạng thả rông trâu, bò vẫn còn tồn tại ở nhiều xã, bản ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn gia súc, gây mất vệ sinh môi trường. Thực trạng đó gây rất nhiều khó khăn cho việc triển khai phòng chống các loại bệnh tật cho đàn gia súc".
Tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm qua tỉnh nhà đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: Quyết định số 29/2016/QĐ-UBND ngày 30/8/2016; Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND, ngày 9 tháng 4 năm 2018 của UBND tỉnh… những chính sách này đã tạo đà cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Nậm Nhùn nói riêng bứt phá. Các nội dung hỗ trợ theo chính sách của tỉnh đều được huyện Nậm Nhùn triển khai thực hiện sát với thực tế từng địa bàn, đạt hiệu quả cao. Một trong những nội dung hỗ trợ là chuyển đổi phương thức chăn nuôi gia súc. Theo đó, từ kinh phí hỗ trợ, nhiều hộ dân ở các xã, bản của huyện đã mạnh dạn đăng ký làm chuồng trại nuôi nhốt thay vì thả rông gia súc như trước.
Làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc nhiều hộ dân trong huyện có thu nhập ổn định.
Điểm nhấn mang tính thiết thực trong chinh sách hỗ trợ chuyển đổi phương thức chăn nuôi gia súc chính là hộ dân nào làm chuồng trại cũng được hỗ trợ, chứ không bắt buộc phải là hộ nghèo. Tuy nhiên, để được nhận tiền hỗ trợ, các hộ dân trên địa bàn phải làm chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định “3 cứng”: nền cứng, mái cứng, khung cứng và phải có bể nước và hố ủ phân. Sau khi nghiệm thu, nếu chuồng trại của hộ dân nào đáp ứng đủ các điều kiện đó, thì mới được nhận tiền hỗ trợ. Mức hỗ trợ tăng theo quy mô chuồng trại và số lượng trâu, bò. Nếu làm chuồng nuôi dưới 10 con, thì người dân được hỗ trợ 2 triệu đồng/con. Từ 11 – 20 con trâu/bò/ngựa thì người dân lại được hưởng mức hỗ trợ cao hơn, đó là 3 triệu đồng/con...
Đưa chúng tôi đi thăm khu chuồng trại mới được xây dựng anh Lò Văn Thoại, bản Noong Kiêng (thị trấn Nậm Nhùn) hồ hởi chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi bò từ nhiều năm nay, những năm đầu nuôi bò, gia đình tôi chủ yếu thả rông quanh bản và buộc dưới gầm sàn, rất mất vệ sinh. Vài năm trở lại đây, được các đơn vị, đoàn thể tuyên truyền nên gia đình tôi đã làm chuồng tạm để nuôi nhốt, chứ không thả rông nữa. Vì chưa có điều kiện làm chuồng trại kiên cố nên những lúc mưa to, gió lớn, gia đình tôi rất lo lắng. Nghe cán bộ xã thông báo, xây dựng chuồng trại kiên cố sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, tôi liền đăng ký tham gia ngay. Gia đình tôi xây dựng chuồng trại đúng như hướng dẫn nên đủ điều kiện để được nhận tiền hỗ trợ. Gia đình tôi nuôi 16 con bò, được hỗ trợ 48 triệu đồng”.
Cùng với gia đình anh Thoại, nhiều hộ dân ở thị trấn Nậm Nhùn và các xã trên địa bàn huyện cũng được nhận tiền hỗ trợ xây dựng chuồng trại nuôi nhốt trâu, bò. Ai cũng phấn khởi, yên tâm chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình.
Từ chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương thức chăn nuôi của tỉnh, ngoài được hỗ trợ kinh phí làm chuồng trại, các hộ dân còn được hỗ trợ tiền mua giống cỏ về trồng làm thức ăn cho gia súc. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, tổng số tiền hỗ trợ năm 2020 là hơn 1.4 tỷ đồng cho 80 hộ dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ gia đình chăn nuôi có chuồng trại trên địa bàn huyện tính đến hết năm 2020 đạt trên 60%, tổng đàn trâu, bò toàn huyện đạt trên 13 nghìn con.
Đánh giá về hiệu quả từ hỗ trợ chuyển đổi phương thức chăn nuôi gia súc, ông Đỗ Văn Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện nhấn mạnh: "Chính sách này có ý nghĩa thiết thực, giúp người dân trong huyện từ bỏ dần thói quen thả rông trâu, bò, chuyển sang nuôi nhốt. Giảm thiểu những tác hại gây ô nhiễm môi trường sống cho Nhân dân, thuận lợi cho việc chăm sóc và phòng chống bệnh tật. Nhờ đó đàn gia súc trên địa bàn huyện sinh trưởng, phát triển tốt hơn, người dân biết chuyển hướng chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, thu nhập tăng lên rõ rệt, nhiều hộ nghèo đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu".
Tuấn Hùng
Nguồn tin: Lai Châu online
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn