Khu vực HTX đang đẩy mạnh bán hàng online, thực hiện bán hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới |
Tại hội nghị tổng kết Chương trình kết nối cung – cầu tiêu thụ nông sản cho HTX, THT (Chương trình 503) cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ, kết nối tiêu thụ được 15.047,97 tấn (rau, củ, quả, trái cây, thủy hải sản, hàng tiêu dùng cho các HTX. Đây chính là kết quả mà hệ thống Liên minh HTX Việt Nam làm được sau khi đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến. Từ đây, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới cũng nhận được sự quan tâm của nhiều HTX.
Tăng doanh thu nhờ nhập cuộc sớm
HTX nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung (Kon Tum) thời gian gần đây đã nắm bắt được vai trò của việc bán hàng qua các trang thương mại điện tử như Shopee, voso, Lazada… Gần đây nhất, HTX đã đưa sản phẩm chế biến từ cà phê, trái cây lên sàn Alibaba.com để tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc HTX cho biết, điều thuận lợi khi đưa sản phẩm lên sàn Alibaba.com là trang thương mại điện tử này đã dịch sang tiếng Việt nên HTX dễ nắm bắt thông tin, không phải tốn thêm chi phí thuê người dịch.
Cũng là HTX mạnh dạn đưa nông sản lên sàn Alibaba.com, HTX Dịch vụ Tổng hợp Kiến Thuận (Yên Bái) nhận thấy đây là kênh bán hàng ưu việt, thích hợp cho các HTX.
Ông Đỗ Tuấn Lương, Phó Giám đốc HTX Kiên Thuận, cho biết trước đây, 70% doanh thu của HTX là bán ở trong nước, phần còn lại mới đến từ xuất khẩu. Tuy nhiên, sau khi gia nhập Alibaba.com, sàn thương mại điện tử này đã giúp doanh thu xuất khẩu của HTX tăng lên đến 80%.
Đến nay, HTX đã có lượng khách hàng tương đối ổn định trên sàn Alibaba. Trong thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử này để gia tăng lượng hàng xuất khẩu cũng như giúp nâng cao thu nhập thành viên.
Có thể thấy, bán hàng qua trang thương mại điện tử xuyên biên giới đang nhận được sự quan tâm của các HTX. Theo các chuyên gia, không chỉ các doanh nghiệp mà các HTX vẫn đang tìm đến sàn trực tuyến xuyên biên giới Alibaba. Nhất là HTX chuyên sản xuất và xuất các mặt hàng như thủ công mỹ nghệ, nông lâm thủy hải sản, may mặc và dệt may, nông sản…
Bán hàng qua các trang thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp các HTX mở rộng thị trường nhanh chóng, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận. Đặc biệt hiện nay, Liên minh HTX Việt Nam đang đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các HTX theo chuỗi giá trị hàng hóa. Trong năm 2020, đã có 200 chuỗi giá trị hàng hóa được hỗ trợ xây dựng. Đây là nền tảng vững chắc giúp các HTX này đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo Hiệp Hội Thương mại điện tử Việt Nam, có đến gần 50% doanh nghiệp hiện nay sẵn sàng mua hàng thông qua các trang thương mại điện tử xuyên quốc gia. Đặc biệt, đến nay, chỉ có 22% doanh nghiệp thực sự bán hàng và chỉ có 8% doanh nghiệp thực sự đầu tư bán hàng tại đây. Số còn lại chỉ tham gia mở gian hàng.
Điều này cho thấy, nếu biết cách nắm bắt, bán hàng qua các trang thương mại điện tử xuyên quốc gia chính là cơ hội tiềm năng cho các HTX. Và thị trường bán hàng thông qua các trang thương mại xuyên biên giới vẫn còn nhiều dư địa cho các HTX.
Hiện nay, để hỗ trợ các HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã xây dựng gian bán hàng trên Alibaba.com. Gian bán hàng này đã bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu tháng 10. Các sản phẩm trên gian hàng đa dạng từ hàng thủ công mỹ nghệ đến sản phẩm tươi là các đặc sản của địa phương do các HTX sản xuất.
Tuy nhiên, để bán hàng thành công trên các trang thương mại điện tử không hề dễ dàng vì đây là vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, cho biết thông qua khảo sát HTX chuyển đổi số của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy điều kiện cơ bản để tham gia các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới là cán bộ, thành viên HTX phải sử dụng được các công cụ thông minh. Mô hình kinh doanh phải ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi để vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các đối tác trên thế giới và đặc biệt là có thể đáp ứng số lượng nông sản lớn mỗi lần xuất khẩu. HTX cũng cần phải đầu tư cho logistics để bảo đảm giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa của khách hàng. Bên cạnh đó, HTX cần phải có hạ tầng công nghệ thông tin, có trụ sở làm việc đầy đủ.
“Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có số ít HTX đáp ứng được những yêu cầu này”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ tịch HĐQT HTX Anh Đào (Lâm Đồng) cho biết, các HTX sản xuất quy mô lớn nhỏ, không theo quy trình, thu hoạch theo mùa vụ nên khó làm việc với doanh nghiệp. Đây cũng là rào cản khi tham gia bán hàng trên các trang thương mại điện tử xuyên biên giới.
Gỡ rào cản, tăng cơ hội
Theo các chuyên gia, xuất khẩu nông sản qua kênh thương mại điện tử có nhiều lợi thế như tăng hiệu quả tiếp cận, tăng khả năng marketing đến khách hàng, giảm thời gian chuyển hàng và đặc biệt lợi nhuận có thể tăng gấp ba lần nếu so với xuất khẩu theo cách truyền thống. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm thách thức.
Đó là những khó khăn trong vận chuyển hàng hoá, bảo quản hàng hoá, khâu thông quan hàng hóa, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu... Đây chính là những vấn đề mà các HTX cần phải tìm hiểu, nắm bắt, thực hành thành thạo.
Và để làm được điều này, đòi hỏi HTX phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu về xuất nhập khẩu và công nghệ thông tin. Tuy nhiên đây cũng chính là khó khăn của các HTX hiện nay khi phần lớn cán bộ HTX trên 50 tuổi, ít tiếp xúc với công nghệ thông tin.
Để tận dụng lợi thế về bán hàng trên các trang thương mại điện tử, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, trước mắt, cần tập trung vào làm việc với các địa phương xem các HTX đáp ứng được các yêu cầu về nhân lực, công nghệ thông tin, khả năng về chất lượng và số lượng hàng hóa, Liên minh HTX Việt Nam sẽ hỗ trợ đào tạo các HTX này một cách chuyên nghiệp, sau đó sẽ từng bước nhân rộng trên cả nước.
Ông Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon co.op, cho biết bán hàng trên Alibaba sẽ tạo sự đột phá cho HTX trong thời gian tới. Tuy nhiên ở đây mang tầm cỡ toàn cầu, chuyên nghiệp HTX cần có chiến lược rõ ràng (hiểu văn hóa các nước đối tác), có dữ liệu được số hóa (hình ảnh, tài liệu, video giới thiệu sản phẩm..), và có giải pháp tiếp cận khách hàng cụ thể.
Bên cạnh đó, HTX cần đăng ký nhãn hiệu, bao bì sản phẩm cần đầu tư bắt mắt đầy đủ thông tin. Có web site để người tiêu dùng thế giới có thể tìm hiểu thêm về HTX, sản phẩm. Để hạn chế tính nhỏ lẻ, cần kết nối các HTX để trở thành các nhóm cùng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, từ đó đáp ứng được nhu cầu của các đối tác trong và ngoài nước.
Nguồn tin: VNBUSINESS:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn