Đến với xã Nậm Khao những ngày này, điều ấn tượng với chúng tôi không chỉ là diện mạo nông thôn khởi sắc mà còn được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa, nương ngô tươi tốt cùng bãi chăn thả với quy mô hàng trăm con gia súc được hình thành trên nền đất bỏ hoang nhiều năm trước. Tại các bản, bà con còn quan tâm làm chuồng nuôi nhốt, tập trung chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Giờ đây, chăn nuôi trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của bà con.
Trước đây, đồng bào người Cống, La Hủ không coi trọng phát triển chăn nuôi, mỗi nhà chỉ nuôi từ 2 đến 3 con để phục vụ cày cấy, rồi sau đó thả rông, không quan tâm chăm sóc. Khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, đàn vật nuôi bị bệnh, chết, bà con cũng không hay biết, vì thế làm giảm sức cày kéo và thiệt hại lớn đến kinh tế của người dân. Để vực dậy chăn nuôi, cán bộ, đảng viên của xã tăng cường xuống các bản tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ về lợi ích mà chăn nuôi mang lại, không chỉ phục vụ sản xuất mà còn đem lại giá trị kinh tế cao. Cán bộ khuyên người dân từ bỏ thói quen thả rông; chuyển đổi sang chăn nuôi theo hướng chăn dắt, có chuồng trại; tích cực nhân giống tăng đàn. Để hiệu quả hơn, cán bộ xã đến từng hộ hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc, làm chuồng trại nuôi nhốt, phòng chống dịch bệnh...
Người dân xã Nậm Khao chăm sóc đàn gia súc.
Qua đó, 415 hộ dân thuộc 4 bản của xã dần nâng cao nhận thức, hiểu được tầm quan trọng của chăn nuôi, từ bỏ cách làm cũ, tích cực phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nhất là tập trung phát triển đại gia súc. Tận dụng các khu đất hoang, mỗi bản hình thành từ 2 -3 bãi chăn thả. Ngoài ra, bà con tích cực trồng cỏ voi, VA06 để làm thức ăn cho trâu, bò... Việc đưa đàn gia súc lên các bãi chăn nuôi tập trung giúp tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên và nhân giống tăng đàn. Bà con thường xuyên quan sát, đánh giá sự phát triển, sức đề kháng của vật nuôi để kịp thời phát hiện, chữa trị cho những con bị ốm, bệnh. Đến mùa sinh sản, đàn vật nuôi được chăm sóc kỹ lưỡng hơn, thức ăn, nước uống đủ chất dinh dưỡng, chuồng trại được che chắn, vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo cho vật nuôi sinh trưởng tốt. Riêng nguồn thức ăn, ngoài tận dụng từ tự nhiên, bà con còn lựa chọn các sản phẩm thức ăn chăn nuôi uy tín trên thị trường để tăng khẩu phần ăn cho đàn gia súc.
Chị Lò Thị Man (bản Lãng Phiếu) cho biết: "Nhờ cán bộ xã định hướng, tôi tham gia lớp dạy nghề và vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi. Cán bộ xã thường xuyên hướng dẫn tôi kỹ thuật, cách phòng chống dịch bệnh, lựa chọn nguồn thức ăn, xây dựng chuồng trại sao cho hợp lý, tôi học hỏi và làm theo nên mang lại kết quả cao, mỗi lứa xuất bán đều có lãi. Hiện, gia đình tôi nuôi 5 con trâu, 10 con lợn và gần 100 con gia cầm. Thu nhập từ chăn nuôi cũng được vài chục triệu đồng/năm, giúp cuộc sống của gia đình khá hơn trước".
Cán bộ xã còn hướng dẫn người dân cách xây dựng chuồng trại nuôi nhốt, đảm bảo thoáng mát mùa hè, ấm mùa đông; phân chuồng được tận dụng ủ hoai mục rồi bón cho cây trồng, không thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Vào những ngày mùa đông giá rét, người dân gia cố chuồng trại, sử dụng bạt, tôn che chắn, đốt lửa, dùng đèn điện sưởi ấm, khẩu phần ăn được tăng cường thêm muối, chất khoáng. Nhiều hộ còn dùng rơm rạ rải nền chuồng. Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm thường xuyên. Theo định kỳ, vật nuôi được tiêm phòng, chuồng trại được phun thuốc khử khuẩn. Cán bộ xã còn khuyến cáo người dân khi có dịch bệnh xảy ra phải thông báo cho xã để kịp thời xử lý.
Hiện nay, toàn xã Nậm Khao có 1.473 con gia súc và gần 5.000 con gia cầm, tốc độ tăng đàn đạt 4,2% (tăng 400 con gia súc, hơn 1.000 con gia cầm, gần 2% tốc độ tăng đàn so với năm 2019). Xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện giới thiệu sản phẩm chăn nuôi của xã ra thị trường giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Anh Lý Văn Lương - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khao cho biết: "Chăn nuôi góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 23%, thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm 2020. Để chăn nuôi ngày càng phát triển, xã tiếp tục vận động người dân đẩy mạnh xây dựng mô hình, quy hoạch các đồng cỏ; tăng cường phòng, chống dịch bệnh; đánh giá chất lượng sản phẩm khi cung cấp ra ngoài thị trường. Xã phấn đấu hết năm 2021, tốc độ tăng đàn đạt từ 6-7%/năm".
Chăn nuôi đã và đang trở thành thế mạnh của địa phương, góp phần thay đổi cuộc sống người dân, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo ở xã Nậm Khao.
Thái Hà
Nguồn tin: Báo Lai Châu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn