Phát huy thế mạnh của HTX trong kinh tế dược liệu

Thứ tư - 26/07/2023 04:00
Muốn phát triển kinh tế dược liệu, việc tận dụng lợi thế về kinh nghiệm sản xuất của người dân, thành viên HTX là điều quan trọng để hình thành các vùng chuyên canh lớn. Tuy nhiên, cần tháo gỡ những khó khăn về đất đai, chính sách, cơ chế liên kết thì mới thuận lợi cho phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa và đưa dược liệu nội địa cạnh tranh trên thị trường.

Tại Diễn đàn Kinh tế dược liệu Việt Nam: thế mạnh của khu vực KTTT, HTX tổ chức ngày 25/7, Ủy viên BCH TW Đảng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh, cho rằng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại 51/63 tỉnh thành phố nên có khí hậu khác nhau, có nguồn tri thức bản địa sâu sắc. Họ có kỹ năng sản xuất cây công, nông nghiệp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, phát triển, tạo dựng giá trị thông qua tham gia HTX, từ đó góp phần quan trọng nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

"Như cô gái đẹp vừa thức giấc"

Theo nghiên cứu, hiện nay 80% dân số trên thế giới quan tâm đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Các doanh nghiệp trong nước cần lượng dược liệu rất lớn để phục vụ chế biến, trung bình mỗi năm 60-80 nghìn tấn. Nhưng trên thực tế, nguồn dược liệu trong nước mới cung cấp được 13.600 tấn/năm và phần thiếu còn lại chủ yếu bù đắp bằng việc nhập khẩu.

Xảy ra thực trạng trên là do nhiều địa phương tuy có thế mạnh về dược liệu nhưng chưa xây dựng được vùng dược liệu tập trung đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Điều này là do trong quá trình trồng vẫn xảy ra hiện tượng lẫn giống, thoái hóa giống và còn thiếu quy trình quản lý các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và tính an toàn của dược liệu.

-9269-1690280606.jpg

Ủy viên BCH TW Đảng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh, cho rằng Nhà nước đã có chính sách phát triển nguồn dược liệu tại vùng dân tộc miền núi nhằm hướng đến mục tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ đói nghèo là 30% ở các thôn, bản, xã nghèo và hướng đến tăng thu nhập từ 2-3 lần tại các vùng khó khăn.

Là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển dược liệu, Thanh Hoá cũng đã có 47 doanh nghiệp, HTX/1.314 HTX hiện có tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu như: HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn thu mua cà gai leo để sản xuất trà cà gai leo túi lọc; Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn và HTX Sản xuất nông nghiệp Vinaco thu mua Sâm báo cho người dân các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Triệu Sơn… và đã được công nhận 19 sản phẩm OCOP thuộc nhóm thảo dược.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang, nguồn lực để các HTX, nhân dân phát triển dược liệu vẫn còn khiêm tốn. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất dược liệu vẫn chưa cao nên chưa thực sự nâng cao năng suất, chất lượng dược liệu.

GSTS Trần Văn Ơn, Giảng Viên cao cấp trường Đại học Dược Hà Nội, ví von rằng ngành dược liệu nước ta đang giống như một cô gái đẹp vừa thức giấc. Chính vì vậy, muốn phát triển kinh tế dược liệu, còn rất nhiều điều phải làm.

Ngay về thị trường cho dược liệu hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Về thị trường trong nước, dược liệu Việt Nam hiện bị cạnh tranh rất lớn bởi dược liệu Trung Quốc. Điều này dẫn đến thực trạng người dân, HTX trồng dược liệu nhưng khó tiêu thụ.

Còn đối với thị trường xuất khẩu, tính cạnh tranh càng cao hơn khi các thị trường nhập khẩu đòi hỏi các HTX, doanh nghiệp dược liệu phải vượt qua hàng rào kỹ thuật. Trong đó, việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, chế biến của người dân, HTX còn gặp nhiều khó khăn.

Dẫn chứng cho điều này, GSTS Trần Văn Ơn cho rằng, quế vốn là một trong tứ đại dược của Việt Nam nhưng rất ít tỉnh hiện nay chọn cây trồng này là cây dược liệu chủ lực. Trong khi ngành quế đang đóng góp hơn 'tỷ đô' vào nền kinh tế quốc gia, và bảo đảm sinh kế của hơn 200.000 gia đình và hoạt động của 266 doanh nghiệp, nhưng tổng diện tích cả nước mới chỉ 170.000ha. Thị trường quế nội địa cũng đang gặp khó khăn bởi sự cạnh tranh mạnh mẽ từ quế Trung Quốc, Indonesia, Trung Đông.

Điều này là do Việt Nam chưa xác định được đến nay có bao nhiêu loài quế. Đi liền với đó là dù phát triển nhưng ngành quế vẫn chưa bền vững, giá trị gia tăng chưa cao. Chính vì vậy, mới chỉ có 5% diện tích quế hiện nay đạt tiêu chuẩn Organic. Số quế còn lại buộc phải bán sang thị trường có nhu cầu chất lượng thấp nên giá trị kinh tế mang về cho người dân, HTX không lớn.

Phát huy vai trò của HTX

Thực tế cho thấy, Việt Nam có nhiều loài dược liệu có giá trị, phần lớn nguồn gen này nằm ở vùng miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nếu có chiến lược phát triển tốt, tạo ra giá trị, thương hiệu tốt cho dược liệu sẽ tạo ra giá trị kinh tế tốt. Điều này sẽ góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Trong khi đây cũng là khu vực đang gặp nhiều khó khăn nhất cả nước, đang cần tập trung, nỗ lực mọi nguồn lực để phát triển, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Việc bảo tồn, gìn giữ nguồn gen quý ở góc độ kinh tế cần phải quan tâm đến vấn đề tạo ra giá trị từ nguồn dược liệu đó. Điều này mới là cái đích hướng đến cho người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh, phát triển nguồn dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều phương thức khác nhau nhưng để bảo đảm được hiệu quả, phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì loại hình HTX là phù hợp hơn cả.

-5785-1690280606.jpg

Các đại biểu tham quan các gian hàng của HTX.

Mặc dù, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú với nhiều nguồn gen và tri thức bản địa, nhưng vẫn cần nhìn nhận là trong thời điểm hiện nay, việc phát triển các loại dược liệu vẫn còn khá manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình trong cùng một làng bản, trong cùng một dòng họ hoặc gói gọn trong phạm vi một dân tộc mà chưa có chất xúc tác, chưa có mô hình nào tạo ra một chuỗi liên kết, tạo ra một vùng rộng lớn, tạo ra giá trị lớn về mặt thương hiệu cho dược liệu, từ đó tạo ra giá trị kinh tế lớn cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, các HTX nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số HTX cả nước. Trong đó có rất nhiều HTX phát triển dược liệu, phát huy thế mạnh từ dược liệu để tạo ra giá trị kinh tế.

Chính vì vậy, để tạo ra giá trị rộng lớn cho dược liệu, cần phát huy vai trò của các tổ hợp tác, HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển vùng dược liệu là việc hết sức cần thiết.

GSTS Trần Văn Ơn cũng cho rằng, muốn vực dậy được ngành quế cũng như phát triển ngành dược liệu, chắc chắn phải dựa vào người dân để hình thành các chuỗi giá trị, các vùng trồng trọng điểm. Bởi chính người dân, thành viên HTX mới có kinh nghiệm trong chăm sóc, cách tỉa tán… để phát triển dược liệu mà ngay cả các nhà khoa học cũng khó am hiểu hết. Trong khi dược liệu không chỉ dùng trong ẩm thực mà trong y dược, sức khỏe, công nghiệp… cũng có nhu cầu rất lớn.

Theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, lần đầu tiên khu vực này được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia. Đây cũng là điều kiện, cơ hội để các tổ hợp tác, HTX tham gia một cách sâu rộng hơn trong xây dựng và phát triển ngành dược liệu, nhất là các HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phát triển kinh tế dược liệu

Theo thống kê, nguồn dược liệu đang tập trung nhiều ở 21/51 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu nguồn dược liệu này được phát huy, được bảo tồn và phát triển lâu dài thì sẽ mang lại giá trị gia tăng cho người dân, HTX, doanh nghiệp. 

Nhưng để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng, cần sửa đổi Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai. Luật Lâm nghiệp phải cho phép phát triển kinh tế dưới tán rừng thì mới phát triển được kinh tế dược liệu. Trong khi khả năng tiếp cận đất đai của người dân, HTX để phát triển vùng nguyên liệu về dược liệu còn rất khó khăn do những vướng mắc trong Luật Đất đai. Nếu không có vùng nguyên liệu thì dù có nguồn gen tốt, người dân có khả năng sản xuất thì phát triển dược liệu vẫn nhỏ lẻ, manh mún.

Đây là những vấn đề rất khó nhưng cần được tháo gỡ. Khi tạo được cơ chế về đất đai, tài chính, các điều kiện tiếp cận khác cho người dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư thuận lợi thì mới phát triển được kinh tế dược liệu.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh, cho rằng nhận thức của người dân về giá trị của dược liệu, về việc bảo tồn, phát triển sản xuất vẫn còn bất cập nên cần tuyên truyền cho người dân, thành viên HTX thì mới thuận lợi trong việc hình thành vùng dược liệu, chuỗi dược liệu bền vững.

Để giải quyết điều này, vai trò của Liên minh HTX các tỉnh sẽ rất quan trọng nhằm hình thành và phát triển các HTX kiểu mới, tạo tiền đề phát triển dược liệu vùng dân tộc thiểu số.

Về lâu dài, cần rà soát, điều chỉnh các cơ sở pháp lý để người dân, HTX, doanh nghiệp phát triển dược liệu thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, liên kết…Cần có sự phối hợp liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. “Hiện các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu nhưng việc triển khai, ứng dụng, chuyển giao các nghiên cứu này vào thực tiễn còn nhiều khó khăn và là câu chuyện còn khá dài”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh nói.

Theo các chuyên gia, hiện nguồn lực để phát triển dược liệu còn có hạn, do đó nếu tập trung phát triển lên đến trăm loài cây dược liệu cùng một lúc là quá lớn và khó thực hiện. Chính vì vậy, cần tập trung vào những nhóm cây trồng chính để hạn chế khó khăn, dàn trải.

Trong đó, nên tập trung vào 3 nhóm chính là quốc dược (quế cần quan tâm phát triển, nâng cao giá trị của loại dược liệu này), tiếp theo là tịnh dược (trà hoa vàng) và cuối cùng là Cộng đồng dược-tri thức bản địa trong người dân được thực hiện trong chương trình OCOP.

Theo GSTS Trần Văn Ơn, phân chia thành các nhóm như vậy sẽ tập trung được nguồn lực, giúp người dân, HTX dễ thực hiện và có kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó nên gắn phát triển dược liệu với du lịch, nâng cao sức khỏe thay vì đầu tư làm thuốc từ dược liệu vì thuốc rất khó làm, yêu cầu cao.

 

Nguồn tin: VNBUSINESS:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bản đò hành chính tỉnh Lai Châu
Văn bản mới

Luật

Luật Hợp tác sửa đổi 2023

Thời gian đăng: 13/11/2023

lượt xem: 1179 | lượt tải:164

01/QĐ-TTg

Quyết định phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030"

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 1121 | lượt tải:131

45/2021/NĐ-CP

Nghị định của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã

Thời gian đăng: 08/04/2021

lượt xem: 1605 | lượt tải:203

340/QĐ-TTg

Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030

Thời gian đăng: 08/04/2021

lượt xem: 1339 | lượt tải:154

167/QĐ-TTg

Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025

Thời gian đăng: 14/03/2021

lượt xem: 1508 | lượt tải:205
Liên kết
http://chinhphu.vn
mpi.gov.vn
laichau.gov.vn
vca.org.vn
dichvucong.laichau.gov.vn
sokhdt.laichau.gov.vn
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down