Nhìn vào thực tế cho thấy, tình hình phát triển HTX trong lĩnh vực công thương thời gian qua tăng về số lượng, quy mô; hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX được cải thiện. Theo số liệu dự ước của các cơ quan chuyên môn, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 81 HTX hoạt động trong lĩnh vực công thương, trong đó có 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chiếm 9,4% trong tổng số HTX toàn tỉnh, thu hút 298 thành viên, tạo công ăn việc làm cho 332 lao động. Doanh thu bình quân 1 HTX đạt 2,75 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX đạt 27,7 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh còn có 51 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại, chiếm 15,9% trong tổng số HTX toàn tỉnh, thu hút 394 thành viên, tạo việc làm cho 522 lao động.
Hợp tác xã Công nghệ - Môi trường đầu tư trang thiết bị xay xát chế biến các sản phẩm gạo chất lượng cao trên địa bàn huyện Tân Uyên.
Tiếp sức cho các HTX phát triển ở 2 lĩnh vực trên, những năm qua, Sở Công thương đã hỗ trợ cho 32 lượt HTX trong hoạt động khuyến công, với tổng kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho các HTX trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới; ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các cơ sở công nghiệp chế biến ở các vùng tập trung, chuyên canh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một trong những nỗ lực đó chính là Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến chè cổ thụ” được Trung tâm Khuyến công tỉnh - đơn vị trực thuộc Sở thực hiện tại HTX Biên Cương (đóng chân trên địa bàn xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ).
Đề án được triển khai từ đầu tháng 1/2021 với tổng kinh phí đầu tư trên 600 triệu đồng, bao gồm: 1 máy sấy lạnh có công suất 15kg/lần sấy với thời gian 3 giờ/lần sấy; 2 máy sao chè, mỗi máy có công suất 10kg chè khô/lần sao, thời gian khoảng 1 giờ/lần sao. Trong đó, Trung tâm Khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn vốn Khuyến công quốc gia năm 2021. Việc triển khai thực hiện Đề án đã tạo điều kiện cho HTX ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất chế biến chè cổ thụ. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, giảm chi phí đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, giúp Nhân dân trên địa bàn xã Mồ Sì San có việc làm ổn định từ thu hái chè cổ thụ cung cấp cho HTX, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp từ năm 2020 đến nay nên việc tổ chức các hội chợ, triển lãm thương mại không nhiều. Tuy nhiên, những năm trước, Sở Công thương đã nỗ lực trong việc tạo những “cú huých” mạnh mẽ cho các đơn vị doanh nghiệp trong tỉnh nói chung, HTX nói riêng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm và tìm kiếm đối tác hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá nông sản có thế mạnh của tỉnh. Các sản phẩm tham gia trưng bày tại hội chợ được Ban tổ chức, khách tham quan đánh giá cao như: miến dong Bình Lư, gạo séng cù, sản phẩm chè chế biến các loại…
Tận dụng tối đa những tính năng nhanh, hiện đại, chính xác, Sở Công thương đã phối hợp xây dựng các video clip về thông tin các sản phẩm nông sản của 19 HTX trên địa bàn đăng tải trên Trang thông tin của Bộ Công thương và nhiều kênh thông tin khác. Trong đó phải kể đến việc Sở đã hỗ trợ, hướng dẫn 10 HTX trên địa bàn tỉnh đưa các sản phẩm nông sản như: chè, miếng dong, gạo, rượu… tham gia sàn thương mại điện tử nội địa và quốc tế như: Sendo.vn, Voso.vn, Tiki.vn, Alibaba, Amazon…; giới thiệu 38 sản phẩm hàng hoá của 32 HTX gồm: chè khô chế biến, chuối, thảo quả, khoai tây, cây mía, gạo, cá…
Theo đánh giá của ông Lê Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Công thương, đây là việc làm góp phần quan trọng giúp các HTX quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm hàng hoá của tỉnh trên môi trường thương mại điện tử; tổ chức kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh; kết nối và tiêu thụ các hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong nước và các nhà nhập khẩu nước ngoài.
So với tiềm năng và thế mạnh của địa phương, hiện nay số lượng HTX trong lĩnh vực công thương vẫn còn ít, quy mô hoạt động nhỏ, trang thiết bị sản xuất kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ quản lý, điều hành của các HTX chưa qua đào tạo, năng lực quản lý còn hạn chế. Và đặc biệt chưa thực sự chú trọng đến việc quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, kiểu dáng, thiết kế, mẫu mã bao bì cũng như cải tiến chất lượng sản phẩm nên tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường chưa cao, chưa thực sự thu hút người tiêu dùng. Một số sản phẩm gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ… Do đó, cần hơn nữa những cơ chế chính sách cũng như giải pháp lâu dài để tiếp thêm động lực cho thành phần HTX này phát triển tương xứng với tiềm năng.
Nguồn tin: Lai Châu online:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn