4 sản phẩm OCOP của thị trấn Phong Thổ gồm: ruốc cá hồi Dương Yến, cá hồi phi lê Dương Yến, cá tầm cắt khúc Dương Yến của hợp tác xã (HTX) Dương Yến và cao ngựa bạch của HTX Xuân Oanh đều ở thôn Thống Nhất.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đồng Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Thổ cho biết: Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", UBND thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền nội dung, ý nghĩa của chương trình đến Nhân dân các thôn, bản; khuyến khích các cá nhân, tổ chức, HTX tích cực đăng ký tham gia xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, thủ công truyền thống. Sau khi HTX Dương Yến và HTX Xuân Oanh đăng ký các sản phẩm, UBND thị trấn luôn phối hợp với các đơn vị để thực hiện các công đoạn hồ sơ trình cấp có thẩm quyền để đánh giá, công nhận.
Căn cứ các văn bản của tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh chính quyền địa phương hỗ trợ HTX Xuân Oanh vay vốn làm chuồng trại nuôi ngựa bạch, mở rộng quy mô, tăng số lượng đàn; công nhận đơn vị chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Riêng đối với HTX Dương Yến, chúng tôi đang phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý liên quan đến diện tích đất nhà ở cho HTX phát triển.
Lãnh đạo UBND thị trấn Phong Thổ thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ HTX Dương Yến xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cá đạt OCOP 3 sao.
Đặc biệt, từ sau khi được công nhận OCOP 3 sao, các sản phẩm đã nâng tầm giá trị và có sức hút lớn trên thị trường nhờ vào việc quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội. Cùng với đó, các chủ thể sản phẩm mạnh dạn đầu tư vào thiết kế bao bì, tem, nhãn mác, có đầy đủ chỉ dẫn địa lý giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc và yên tâm sử dụng. Nhờ đó, sự cạnh tranh giữa sản phẩm OCOP với sản phẩm không tem mác trên thị trường ngày càng lớn.
Anh Nguyễn Xuân Oanh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Xuân Oanh vui mừng: So với trước đây, sản phẩm cao ngựa bạch 3 sao của HTX đã có sức cạnh tranh lớn với các sản phẩm mang nhãn hiệu “cao ngựa bạch” khác trên thị trường có giá thành rẻ hơn từ 500-800.000 đồng/lạng. Trong khi đó, cao ngựa bạch của đơn vị chúng tôi có giá bán ở thời điểm hiện tại là 1,3 triệu đồng/lạng; trước đó là 1,5 triệu đồng/lạng. Với việc được kiểm định về chất lượng, có mẫu mã, quy cách, tem mác nên mọi người ưu tiên lựa chọn sử dụng sản phẩm nhiều hơn. Trong vòng hơn 1 tháng qua, HTX bán được hơn 3kg cao ngựa bạch.
Không chỉ giá thành sản phẩm OCOP bán được cao hơn những sản phẩm cùng chủng loại mà thị trường tiêu thụ cũng rộng lớn hơn. Hiện nay 4 sản phẩm OCOP của thị trấn Phong Thổ đã vươn xa ra các thị trường ngoài tỉnh, có mặt ở một số cửa hàng ở Hà Nội, Lào Cai… Và tới đây sản phẩm sẽ góp mặt ở các siêu thị lớn trong nước. Chúng tôi cùng cán bộ UBND thị trấn Phong Thổ đến thăm trang trại nuôi cá nước lạnh của HTX Dương Yến. Thời điểm này, HTX đang tất bật chế biến các sản phẩm cá tầm, cá hồi để kịp giao cho khách hàng.
Anh Hoàng Đăng Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dương Yến hồ hởi: Từ khi các sản phẩm cá của chúng tôi đạt OCOP 3 sao, được tỉnh, huyện quảng bá, giới thiệu nên nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Bởi vì cá hồi, cá tầm có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, vì thế lượng hàng khách đặt ngày một lớn; sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Có những đơn vị ở ngoài tỉnh còn chủ động liên hệ với chúng tôi để đặt hàng và giới thiệu bán sản phẩm trên mạng xã hội, hệ thống siêu thị. Hiện nay, đơn vị nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khách ở các địa phương từ Bắc vào Nam. Chúng tôi đang cố gắng để cung cấp sản phẩm đến tay khách hàng nhanh, sớm và đảm bảo chất lượng. Vất vả một chút, nhưng được khách hàng quan tâm ủng hộ là niềm vui với chúng tôi.
Được biết, HTX Dương Yến có trang trại nuôi cá hồi, cá tầm rộng 500m2 từ năm 2017, sản lượng bình quân mỗi năm đạt 20 tấn. Sau khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, lượng tiêu thụ ruốc cá hồi vào khoảng 120kg/tháng, giá bán 1,1 triệu đồng/kg; cá tầm cắt khúc 5 tạ/tháng, giá bán 350.000 đồng/kg; cá hồi phi lê 7 tạ/tháng, giá bán 400.000 đồng/kg. Thêm vào đó, lượng khách đến đặt món ăn tại quán, ship mang về ngày càng đông. Vì thế, trang trại cá không đủ cung cấp nhu cầu của khác hàng, nên anh Bình đã liên kết với một số đơn vị nuôi cá hồi, cá tầm trên địa bàn như: HTX vùng cao, xí nghiệp của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 (Quân Khu 2), trang trại nuôi cá hồi của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải để lấy thêm cá. Nhờ đó, doanh thu của đơn vị đến thời điểm này đạt khoảng 4 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương với mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Từ việc tiêu thụ trên thị trường, giá thành bán cao cho thấy Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao giá trị nông sản; giúp người lao động có việc làm ổn định; mang lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp, HTX. Được biết, tới đây, các chủ thể của 4 sản phẩm OCOP trên sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chế biến, định hướng phát triển thêm các sản phẩm OCOP như: cá hồi xông khói, chả cá hồi… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn