Năm 2020, khi huyện triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Hợp tác xã (HTX) Mí Dao ở khu 1, thị trấn Sìn Hồ được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, HTX thường xuyên được cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện hỗ trợ, tư vấn lựa chọn sản phẩm và hướng dẫn chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu minh chứng nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc…
Đến nay, HTX Mí Dao đã có 5 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao; trong đó có những sản phẩm tiêu biểu rất được ưa chuộng trên thị trường như: thuốc tắm Mí Dao, đương quy khô Sìn Hồ, táo mèo khô Mí Dao… Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, đơn vị luôn sử dụng nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng; cùng với đó nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn.
Thành viên Hợp tác xã Mí Dao thu hái dược liệu.
Chị Tẩn Mí Dao - Thành viên HTX Mí Dao cho biết: "HTX ra đời nhằm khôi phục lại nghề thuốc truyền thống của dân tộc Dao ở vùng cao Sìn Hồ, qua các dòng sản phẩm như: thuốc tắm, hoa quả, dược liệu khô, dược liệu chế biến sâu... Qua đó, giúp người dân trên địa bàn có việc làm, tăng thêm thu nhập. Trước xu thế khách hàng cần sản phẩm sạch, sản phẩm đặc trưng của địa phương, đơn vị đã tham gia chương trình OCOP để được chứng nhận sản phẩm đảm bảo chất lượng, từ đó giúp khách hàng yên tâm khi mua và sử dụng sản phẩm".
Phát huy thế mạnh của địa phương trong việc trồng và phát triển các loại cây dược liệu như: đương quy, sâm Lai Châu, đỗ trọng, sa nhân tím, actiso… huyện Sìn Hồ đã lựa chọn dược liệu để xây dựng các sản phẩm OCOP. Đến hết năm 2021, huyện đã xây dựng được 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Dự kiến trong năm 2022, huyện sẽ đăng ký thêm 12 sản phẩm. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của huyện đã và đang có những bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì đảm bảo các điều kiện về nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được khách hàng đánh giá cao, lựa chọn tin dùng.
Với mục tiêu hình thành các chuỗi giá trị từ các sản phẩm OCOP, huyện Sìn Hồ đã tập trung sản xuất gắn với vùng nguyên liệu dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình sản xuất nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP.
Cửa hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP tại khu 2 (thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ).
Ông Ma Khánh Toàn - Trưởng phòng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ cho biết: "OCOP là một chương trình trọng tâm góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, miền núi theo hướng gia tăng giá trị. Để có được sản phẩm OCOP, các cơ sở sản xuất phải đổi mới sản phẩm của địa phương, thành sản phẩm hàng hóa gắn với cơ chế thị trường, có ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến sâu và có đầu tư quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo các chuỗi giá trị.
Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP thì quá trình sản xuất được đầu tư theo quy mô nhất định, kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0 vào kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để đưa sản phảm của địa phương đến với những khách hàng tiềm năng, giúp tăng giá trị sản phẩm. Hiện, huyện Sìn Hồ đang thực hiện tốt chương trinh OCOP, là địa phương có hệ thống cửa hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP kết nối với chuỗi các cửa hàng OCOP trên toàn quốc".
Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân về nâng cao chất lượng các sản phẩm. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó từng bước nâng tầm sản phẩm nông sản của địa phương và góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn