Hiện, cây chanh leo được bà con trồng tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trong đó tập trung nhiều ở các xã: Thèn Sin, Hồ Thầu, Bình Lư, Sơn Bình. Năm 2023, bà con trồng mới 300,37ha (đạt 600,7% so với kế hoạch giao), nâng tổng diện tích chanh leo toàn huyện lên 413,98ha, trong đó, 113,61ha chanh leo cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 2.272tấn, tăng 1.417 tấn so với năm 2022.
Hợp Tác xã Chăn nuôi và Trồng trọt ở bản Đội 4 (xã Hồ Thầu) liên kết với người dân trồng, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm chanh leo.
Để cây chanh leo phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn nhân dân chăm sóc, theo dõi, phòng trừ sâu bệnh; thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với công ty, hợp tác xã (HTX). Việc liên kết sản xuất chanh leo theo chuỗi giá trị sản phẩm đã mang lại hiệu quả rõ nét, HTX cung ứng giống, vật tư, phân bón và bao tiêu sản phẩm chanh leo với giá ổn định, qua đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Thời điểm này, HTX Chăn nuôi và Trồng trọt ở bản Đội 4 (xã Hồ Thầu) có 7 thành viên liên kết trồng chanh leo với diện tích 6,5ha. Nhờ nỗ lực chăm sóc, diện tích chanh leo của thành viên HTX luôn sai quả, đạt năng suất cao. Ngoài ra, HTX còn ký liên kết với 44 hộ dân trong xã trồng, chăm sóc 17ha chanh leo. HTX phân công thành viên thu mua toàn bộ sản phẩm chanh leo của bà con, bán lại cho các công ty lớn đang thu mua . Từ đó, HTX giúp thành viên và bà con trong xã có thu nhập ổn định.
Lãnh đạo Liên Minh Hợp tác xã tỉnh thăm mô hình chanh leo của người dân xã Bình Lư (huyện Tam Đường).
Trò chuyện với chúng tôi, ông Vũ Viết Cương - Thành viên HTX Chăn nuôi và Trồng trọt ở bản Đội 4 (xã Hồ Thầu) tâm sự: “Thời gian gần đây, tôi được HTX định hướng chuyển đổi nương ngô kém hiệu quả sang trồng 0,5ha chanh leo theo hướng hàng hóa. Tôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, bón phân, phun hóa chất phòng, trừ sâu, bệnh. Nhờ đó, diện tích chanh leo của gia đình phát triển tốt, sai hoa, quả to, có HTX thu mua, tôi không lo đầu ra cho sản phẩm bị tư thương ép giá như trước. Năm 2023, bán chanh leo, gia đình tôi thu nhập trên 40 triệu đồng”.
Chị Nguyễn Thị Hà ở bản Chu Va 8 (xã Sơn Bình), đầu năm 2023 đã liên kết với Công ty Cổ phần Chanh leo Lai Châu trồng 1ha với 285 cây chanh leo. Chị được công ty cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Tháng 12 vừa qua, chị thu hoạch vụ chanh leo đầu tiên, chất lượng quả to, được giá cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Được biết, Công ty Cổ phần Chanh leo Lai Châu đã ký kết với UBND huyện, các xã, thị trấn và người dân đầu tư giống, kỹ thuật, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Hiện, trên 85% diện tích chanh leo của huyện do công ty liên kết với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trồng, chăm sóc. Để bảo đảm liên kết bền vững, công ty đã gửi công văn mong muốn UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên truyền cho nông dân về giá thị trường, phương thức phân loại, thu mua theo đúng tiêu chuẩn trong hợp đồng đã ký. Công ty cam kết tăng, giảm giá chanh leo theo thị trường, không thu mua thấp hơn giá đã ký kết hợp đồng với người dân.
Ông Hoàng Đình Quân - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện quy hoạch, hình thành vùng sản xuất chanh leo theo hướng hàng hóa. Đồng thời, tổ chức liên kết giữa nông dân với công ty, HTX tổ chức tập huấn cho bà con nắm được quy trình canh tác theo yêu cầu, tiêu chuẩn của công ty xuất khẩu chanh leo ra các nước trên thế giới. Ngoài ra, huyện cũng đang tiến hành rà soát một số tư thương lén lút vào địa bàn thu mua chanh leo với giá không ổn định gây ảnh hưởng đến việc liên kết giữa người dân với công ty, HTX, góp phần ổn định kinh tế ở địa phương”.
Nguồn tin: Lai Châu online:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn