Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn huyện Phong Thổ có 41 HTX (tăng 10 HTX so với năm 2021). Các HTX đăng ký hoạt động chính liên quan đến xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp và trồng cây dược liệu, buôn bán nông sản. Để các HTX có điều kiện phát triển thuận lợi, UBND huyện đã căn cứ trên văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên để ban hành các quyết định về việc thành lập: Ban Chỉ đạo phát triển KTTT, Ban Chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
UBND huyện chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn hướng dẫn thực hiện đăng ký HTX theo đúng quy định; hỗ trợ các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; khuyến khích HTX đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP.
Hàng năm, UBND huyện phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý, điều hành HTX và nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, kế toán… cho học viên là cán bộ quản lý HTX.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Phong Thổ thăm quan các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đạt tiêu chuẩn OCOP của các HTX trên địa bàn huyện.
Về triển khai Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, các HTX trên địa bàn huyện được tạo điều kiện cho vay với 17 lượt, số tiền 4,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các HTX cũng được tham gia nhiều chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135/CP, giải quyết việc làm tạo nguồn thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng chí Đỗ Văn Quynh - Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phong Thổ cho biết: “Được quan tâm, tạo mọi điều kiện phát triển, các HTX trên địa bàn huyện đã có sự phát triển đáng kể. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh của HTX đến nay là trên 90 tỷ đồng với 320 thành viên. Doanh thu bình quân ước đạt trên 19 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của thành viên HTX ước đạt 46,5 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, HTX còn giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 90 lao động với thu nhập ổn định 4,5-5 triệu đồng/người/tháng”.
Riêng trong lĩnh vực nông - lâm ngư nghiệp, thủy sản, toàn huyện 16 HTX. Dù chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 song các HTX vẫn nỗ lực thích ứng, vươn lên khẳng định vị thế trên thị trường. Có thể kể đến HTX Sợi Chuối Phong Thổ ở bản Vàng Pheo (xã Mường So) mới thành lập tháng 10/2021 với 8 thành viên, vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Đến nay, nhờ hoạt động sản xuất sợi từ thân cây chuối làm các sản phẩm sợi chuối, doanh thu khá ổn định, tạo việc làm cho 15 lao động, mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Thành viên HTX Xuân Oanh cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ tuần tra bảo vệ rừng.
Hay như HTX nông sản Phong Thổ ở bản Vàng Bâu (xã Mường So) thành lập tháng 12/2021, chuyên sản xuất bột và các sản phẩm từ tinh bột miến dong. HTX có vốn điều lệ 3 tỷ đồng, 8 thành viên tham gia, doanh thu vài trăm triệu đồng, tạo việc làm cho 15 lao động, mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn có HTX Xuân Oanh (thị trấn Phong Thổ) kinh doanh ngành nghề ươm giống cây lâm nghiệp, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, chăn nuôi.
Tổng doanh thu của HTX trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Đáng mừng nhất là thời gian gần đây, đã có rất nhiều sản phẩm của HTX đạt chứng nhận sản phẩm OCOP như: Hồng trà san Mồ Sì San, Hoàng Trà San Mồ Sì San, Trà xanh San Mồ Sì San (Hợp tác xã Biên Cương); ruốc cá hồi, cá hồi phi lê, cá tầm cắt khúc (HTX Dương Yến).
Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, tiểu thủ công nghiệp; thương mại - dịch vụ là sự ghi dấu ấn của các HTX lớn như: HTX Trái tim hoạt động về lĩnh vực du lịch tại xã Sin Suối Hồ, HTX kinh doanh vật liệu xây dựng Phàn Tông, HTX chè ở Sì Lở Lầu... Các HTX trong lĩnh vực này đều được đầu tư trang bị máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, lợi nhuận cho các xã viên, lao động. Nổi bật nhất là sản phẩm du lịch cộng đồng của HTX Trái tim đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.
Có thể thấy, khuyến khích phát triển HTX, huyện Phong Thổ đang tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế về nhiều mặt, hình thành nên những sản phẩm nông sản đặc trưng, chất lượng cao mang thương hiệu của huyện. Đây cũng là điều kiện để huyện đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Nguồn tin: Lai Châu online::
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn