Hiện nay, dự thảo Luật HTX đang được thảo luận và xin ý kiến tại diễn đàn kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Ủy ban Kinh tế quốc hội và Ủy ban Pháp luật Quốc hộiđã nêu ý kiến tiếp tục giữ tên Luật HTX như từ trước tới nay. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo Luật vẫn kiên trì và quyết tâm đặt tên mới cho Luật là Luật các tổ chức kinh tế hợp tác (Luật CTCKTHT). Theo đó, với tên gọi mới, cơ quan soạn thảo mong muốn Luật HTX mới sẽ bao trùm không chỉ mô hình nòng cốt là hợp tác xã mà cả các loại hình kinh tế sơ khai hay “phái sinh” hoặc tổ chức liên quan trực tiếp đến HTX, của HTX. Đó là tổ hợp tác, là liên hiệp HTX, là liên minh HTX và cả một khái niệm khá lạ là Liên đoàn HTX chẳng hạn,…
Tránh xung đột, chồng chéo
Mặc dù mong muốn là bao trùm tất cả các loại hình kinh tế, tổ chức liên quan khác ngoài HTX, nhưng dự thảo xin ý kiến về cơ bản vẫn là để cập đến mô hình HTX là chính yếu. Các mô hình liên quan hay tổ chức khác đều qui định khá mờ nhạt, không đầy đủ như về Liên hiệp HTX, về Liên minh HTX,… Về khái niệm hay mô hình tổ hợp tác thì đây không phải là pháp nhân. Do vậy, khái niệm tổ hợp tác cũng được qui định khá cụ thể và chi tiết ở Bộ luật dân sự và văn bản pháp luật liên quan.
Riêng về khái niệm lần đầu xuất hiện là “Liên đoàn HTX” thì quá lạ, quá mới. Mà dự thảo qui định cũng không rõ ràng, khó hình dung cả về khái niệm, về chức năng hay mô hình tổ chức của Liên đoàn. Giải trình có nêu xuất phát từ sự phổ biến và kinh nghiệm quốc tế nhưng cũng không thuyết phục. Chỉ một số nước dùng khái niệm này. Biết đâu khi tham khảo cũng có thể là do chuyển ngữ, hay do cách dịch? Ngay ở Việt Nam, khái niệm “liên đoàn” cũng dùng ở nhiều nơi và rất khác nhau cho các tổ chức, kể cả tổ chức phi kinh tế hay tổ chức phi chính phủ. Chẳng hạn như các liên đoàn thể thao (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng,…); Liên đoàn lao động trung ương hay các tỉnh; hay như Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam từ hai năm nay cũng đổi sang gọi là Liên đoàn,… Chính vì thế, các cơ quan Quốc Hội và nhiều lãnh đạo Quốc hội cũng đã yêu cầu không đưa hay chưa đưa các khái niệm mới lạ và chưa rõ ràng như vậy. Việc cho một tổ chức pháp nhân vừa là tổ chức kinh tế, kinh doanh vừa có chức năng nghề nghiệp, xã hội,… cần nghiên cứu kỹ, để tránh bất cập, chồng chéo xung đột với các tổ chức đang có như Liên hiệp HTX, Liên minh HTX,…chẳng hạn.
Hầu hết các HTX cũng bày tỏ mong muốn giữ nguyên tên Luật HTX. Liên minh HTX Việt Nam, tổ chức đại diện quyền lợi của các HTX cả nước cũng đã có báo cáo chính thức đề nghị giữ tên Luật HTX và được sự đồng tình rộng rãi. Theo đó, tuy tên gọi chỉ là Luật HTX, nhưng về nội dung cụ thể, không hề có chuyện ngăn cản việc bổ sung phạm vi điều chỉnh nếu cần thiết và có lợi cho HTX. Điều này là bình thường và đều có ở nhiều văn bản pháp luật khác.
Ý nghĩa và giá trị của tên gọi HTX
Ngoài ra, theo nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, của chính HTX và đông đảo người dân, khái niệm HTX kiểu mới hiện đại ngày nay đã đi sâu vào tiềm thức cộng đồng, gắn với nhiều sự kiện lịch sử, có ý nghĩa lớn. Hiện nay, HTX đã và đang như là một thương hiệu có ý nghĩa, có giá trị gắn liền với những thành công của nông thôn mới, của sản phẩm OCOP đang được xây dựng và phát triển vươn xa. Việc tuyên truyền phổ biến Nghị quyết số 20-NQ/TW phổ biến pháp luật về kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX sẽ rất thuận lợi. Liên quan đến việc đề xuất giữ nguyên tên gọi Luật HTX, một vị đại biểu Quốc hội đã có phát hiện thú vị, độc đáo và khá thuyết phục. Theo đó, từ “xã” trong khái niệm “hợp tác xã” là từ gốc cổ Hán-Nôm, có nghĩa rộng hơn nhiều, không bị giới hạn bó hẹp theo kiểu địa giới hành chính xã, phường. “Xã” đây mang tính cộng đồng rộng lớn, mang tính xã hội. Chẳng hạn như trong khái niệm “xã tắc” hoặc “cơ quan Thông tấn xã”,… Chính vì hiểu theo nghĩa rộng đó, và cũng đúng theo định hướng của Nghị quyết Trung ương 5 khóa 9 và Nghị quyết Trung ương 20 khóa 13, mà HTX là mô hình kinh tế được hoạt động không bị giới hạn hành chính, giới hạn vùng miền. Chúng ta mong muốn nhờ thế sẽ có nhiều HTX hoạt động trên địa bàn cả nước và có cả HTX qui mô tầm cỡ, vươn ra cả thị trường thế giới, nằm trong top 100 hay 300 thế giới.
Thêm một lí do hay một thông tin tham khảo nữa về việc nên và cần giữ nguyên tên Luật HTX. Đó là, không phải hầu hết mà rất có thể là tất cả các nước trên thế giới hiện nay nếu có Luật này thì Luật của họ đều tên là Luật HTX. Có thể là Luật HTX chung hoặc Luật HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp riêng, nhưng đều bắt đầu tên là Luật HTX. Các tổ chức quốc tế liên quan, các diễn đàn quốc tế, dự án quốc tế đang tài trợ cho Việt Nam cũng gắn liền với tên gọi HTX. Nếu chúng ta đặt tên mới cho luật này để thay cho từ HTX thì có lẽ là chúng ta đi trước thế giới rồi, không biết là nên mừng hay vui?!
Cuối cùng, theo ý kiến tác giả, tên gọi của Luật thực ra không có gì là quá quan trọng, là quá cần thiết, cấp bách như một số người đặt vấn đề sửa tên luật. Quan trọng hơn và quan trọng nhất chính là các nội dung qui định trong Luật có đầy đủ, có rõ ràng không, có lợi cho đối tượng điều chỉnh chính của Luật này là các HTX và bà con nông dân, thành viên HTX hay không. Với suy nghĩ đó, theo tác giả, nếu tên Luật đang là Luật các tổ chức Kinh tế Hợp tác sẵn rồi thì để nguyên cũng chẳng mấy hề hấn. Ngược lại, Luật đang là tên HTX thì nên giữ nguyên. Chúng ta dành thời gian quí báu, nguồn lực của cơ quan soạn thảo và của các đại biểu quốc hội, của các chuyên gia để soạn thảo, tham gia thảo luận hay tranh luận các qui định nội dung cụ thể bên trong Luật, giúp cho kinh tế HTX phát triển và bà con, thành viên hưởng lợi nhiều nhất từ Luật HTX sửa đổi lần này.
Nguồn tin: VNBUSINESS:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn