Thành lập tháng 10/2022, HTX Chăn nuôi và Trồng trọt Đức Điệp ở bản Hoa Vân (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) được hỗ trợ gần 600 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố, làm hầm biogas theo Nghị quyết số 07/NQ-HĐND, ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh. Hiện, HTX phát huy hiệu quả vốn vay, chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô trên 300 con lợn thịt/lứa. Tháng 10 vừa qua, HTX tiếp tục mở rộng quy mô nuôi thí điểm 60 con bò lai Sind, trong đó có 30 con bò nái và 30 con bò thịt. HTX thiết kế chuồng nuôi công nghệ cao khép kín, có hầm biogas. Nhờ sử dụng công nghệ cao khép kín trong chăn nuôi, không chỉ giúp đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại thu nhập cao mà còn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.
Anh Quyết Đức Đán - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Trồng trọt Đức Điệp cho biết: “Cùng với đầu tư cho chăn nuôi, tôi và thành viên, lao động của HTX ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc 1ha chanh leo. Nhờ quả to, đẹp mã, đầu ra cho sản phẩm chanh leo của HTX thuận lợi hơn, không bị tư thương ép giá như trước. Ngoài ra, tôi còn thuê đất, trồng 3ha cỏ voi VA06 để chủ động thức ăn thô xanh cho đàn bò. Năm 2023, HTX phấn đấu thu lãi 600 triệu đồng, tăng 200 triệu đồng so với năm 2022”.
Ban Chỉ đạo Phát triển Kinh tế tập thể tỉnh thăm mô hình nuôi ong của Hợp tác xã Nà Tăm (ở bản Coóc Nọc, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường).
Theo ông Phạm Hải Triều, thành viên HTX Nà Tăm ở bản Coóc Noọc (xã Nà Tăm, huyện Tam Đường), hoạt động HTX làm thay đổi tập quán của hộ chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ, phân tán trước đây. HTX Nà Tăm nuôi ong, chăn nuôi gia súc và trồng chè tập trung, có đầu tư. Hiện, HTX có trên 100 thùng nuôi ong, hơn 100 con trâu, bò và 5ha chè, tạo được chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chè búp, tận dụng được đất đai; tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương. Tuy nhiên, HTX Nà Tăm còn khó khăn do sản phẩm mật ong chưa có nhãn mác, thương hiệu. Thời gian tới, HTX phấn đấu xây dựng sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP, có mã vạch để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, tạo dựng lòng tin với khách hàng.
Được biết, huyện Than Uyên có 70 HTX đang hoạt động hiệu quả tại 12 xã, thị trấn với tổng vốn điều lệ đăng ký kinh doanh trên 266 tỷ đồng, gồm 594 thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho 638 lao động. Trong đó, một số HTX hoạt động hiệu quả: Dung Bảo (xã Mường Than), Nông - Công nghiệp và Thương mại Du lịch Than Uyên, Du lịch Đồi thông (thị trấn Than Uyên) và Thẩm Phé (xã Mường Kim)... Để nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, một số HTX trên địa bàn huyện mong muốn các cấp có thẩm quyền, tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến, kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi; tìm đầu ra cho sản phẩm cá nước ngọt; hỗ trợ vốn và chuyển đổi đất sang hoạt động thương mại - dịch vụ...
Hiện tỉnh ta có trên 70% lao động dựa vào sản xuất nông nghiệp hộ gia đình vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, thiếu vốn phát triển, chưa gắn kết lợi ích giữa thành viên với lao động và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của HTX; việc tiếp cận chính sách của HTX vướng thủ tục, thiếu nguồn vốn. Những năm qua, Ban Chỉ đạo Phát triển KTTT tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố khuyến khích người dân thành lập HTX, duy trì hoạt động hiệu quả, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Các cấp, ngành tỉnh, huyện hướng dẫn chủ HTX tiếp cận kinh tế số để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó, thu nhập của thành viên, lao động ổn định, từ 6 - 18 triệu đồng/người/tháng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Đồng chí Bùi Xuân Thu - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển KTTT tỉnh cho biết: “Tính đến ngày 31/10/2023, toàn tỉnh có 415 HTX và Quỹ Tín dụng nhân dân (tăng 6 HTX so với năm 2022), thu hút 3.517 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 3.578 lao động (tăng 370 thành viên, lao động so với năm 2022). Hiện, chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX trên địa bàn được nâng lên. Một số HTX có quy mô sản xuất vừa và lớn, đi đầu dẫn dắt, lan tỏa việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, xây dựng sản phẩm OCOP, từ đó, củng cố và nâng cao vai trò, vị thế của kinh tế HTX”.
Với sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Chỉ đạo Phát triển KTTT tỉnh, mô hình kinh tế HTX trên địa bàn ngày càng hoạt động hiệu quả, đúng bản chất, tạo tiền đề phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương khởi sắc.
Nguồn tin: Lai Châu online::
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn