Theo báo cáo Digital 2020 của We are social, Việt Nam có 96,9 triệu dân. Số lượng thuê bao di động là 145,8 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 150% so với tổng dân số cả nước). Số lượng người dùng internet là 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân). Số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân). Đây chính là môi trường lý tưởng và quan trọng để các HTX xây dựng và phát triển thương hiệu online thông qua website.
Vẫn còn khoảng cách nhận thức
Hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này nên đã có nhiều HTX chú trọng xây dựng website, hoặc tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến.
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Ngọc An (Bình Định) chuyên trồng và chế biến các sản phẩm từ dừa đã mạnh dạn đầu tư website. Nhờ đó, doanh thu của HTX không ngừng tăng qua các năm. Hiện, 80% sản phẩm của HTX Ngọc An được xuất ra thị trường trong và ngoài nước thông qua trang web.
Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết HTX không chỉ dùng website để giới thiệu sản phẩm mà còn cập nhật thông tin, ứng dụng mới để các thành viên chọn lọc và học hỏi. Đồng thời, HTX có thể tuyên truyền cho mọi thành viên cùng tham gia xây dựng website ngày càng hoàn thiện hơn.
Có thể thấy, trước sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội như hiện nay việc chọn quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ, kết nối đầu ra… thông qua website mang đến cho HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp rất nhiều cơ hội rộng mở và giải pháp hữu ích để nâng cao hiệu quả bán hàng của mình. Đồng thời giúp HTX chủ động hơn trong việc tiếp cận khách hàng mục tiêu lẫn khách hàng tiềm năng thông qua việc cung cấp nguồn thông tin đầy đủ, hấp dẫn cho khách hàng.
Giao diện website của HTX nông nghiệp Ngọc An. |
Thực tế cho thấy, số HTX quan tâm xây dựng, duy trì và phát triển website bán hàng như HTX nông nghiệp Ngọc An còn khá khiêm tốn và chưa trở thành một định hướng trong quản trị và phát triển bền vững.
Theo một khảo sát của công ty TNHH CNS Marvel Việt Nam, trên 50 HTX ở các tỉnh thành khác nhau cho thấy, chỉ có 18/50 HTX đã có website (chiếm 36%), trong số đó chỉ có 8 HTX thường xuyên cập nhật thông tin trên website.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số HTX chưa tự xây dựng được website do yếu cả về nhân lực và tài chính. Nhiều HTX có website nhưng phải nhờ đến sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, khuyến nông, hay các dự án ở trong và ngoài nước nên không có người vận hành hoặc vận hành nhưng không hiệu quả.
Đơn cử như trường hợp của HTX nông nghiệp Gò Gòn (Long An), HTX này đang sản xuất lúa theo chất lượng VietGAP khoảng 82.6 ha và liên kết với một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong và ngoài tỉnh để mở rộng đầu ra. Hiện, HTX đã có website nhưng trang web này được xây dựng từ nguồn vốn của một dự án hỗ trợ, trong khi thành viên HTX đều yếu về công nghệ nên việc cập nhật thông tin vẫn còn gặp khó khăn. Từ đó, thông tin cập nhật về tình hình sản xuất, thông tin sản phẩm… không thường xuyên khiến hiệu quả truyền thông chưa cao.
Bên cạnh đó, một vấn đề nữa đặt ra là do phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ nên khi hết thời gian hỗ trợ, các HTX phải bỏ ra một khoản chi phí tương đối lớn để duy trì hệ thống website nên có HTX không tiến hành gia hạn. Theo các chuyên gia, trung bình để duy trì một hệ thống website chạy độc lập, hằng năm HTX phải bỏ ra nguồn chi phí từ 3-6 triệu đồng gồm chi phí hỗ trợ quản trị kỹ thuật (khoảng 3 triệu đồng - nếu có), chi phí hosting lưu trữ (khoảng 2 triệu đồng), chi phí tên miền (khoảng 1 triệu đồng). Do đó, không phải HTX nào cũng tiếp cận được nguồn kinh phí hỗ trợ hay đủ điều kiện chi trả khoản chi phí như vậy hằng năm.
Ưu tiên website thành phần
Phải nói thêm, so với phương pháp tiếp thị truyền thống, tiếp thị qua website có nhiều ưu điểm như giúp HTX cập nhật thông tin nhanh chóng nhất, rút ngắn khoảng cách về địa lý, tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau với chi phí quảng bá thấp góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao doanh số bán hàng. Tuy nhiên, để các HTX xây dựng và duy trì các website điện tử hiệu quả cần có những bước đi cụ thể.
Theo các chuyên gia, trước tiên cần tổ chức tuyên truyền, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử, phổ biến nâng cao nhận thức cho HTX về vai trò của thương mại điện tử nói chung và website nói riêng. Bên cạnh đó, các cấp ngành cần phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trên môi trường điện tử nhằm quản lý chặt chẽ các quy định về hàng hoá, thị trường, thuế và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Hiện, một số địa phương đã xây dựng được sàn giao dịch điện tử hoặc hỗ trợ HTX cập nhật thông tin thông qua cổng thông tin điện tử. Theo đó, nguồn dữ liệu do HTX nông nghiệp cập nhật được chuyển trực tiếp bằng văn bản về phòng NN&PTNT của huyện còn dữ liệu của Liên hiệp HTX nông nghiệp cập nhật và chuyển về Chi cục Phát triển nông thôn cấp tỉnh. Mẫu nhập liệu đầu vào được sử dụng theo mẫu của HTX, liên hiệp HTX báo cáo theo thông tư 07/2019/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, trong thời đại công nghệ số như hiện nay, việc xây dựng website thành phần chính là tiện ích mà các HTX được hưởng thụ.
Giao diện website của HTX nông sản Trường Thủy được Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình hỗ trợ xây dựng, vận hành. |
Ông Nguyễn Đình Tĩnh, Giám đốc công ty TNHH CNS Marvel Việt Nam, cho biết các HTX nên xây dựng website thành phần trên cổng thông tin điện tử của cục, sở, huyện… để vừa giảm thiểu chi phí duy trì hằng năm, vừa tạo điều kiện để nhiều HTX nông nghiệp tiếp cận sử dụng hơn.
“Cách làm này cũng kích thích các HTX cùng tham gia vào hệ thống để trao đổi, tìm kiếm và tương tác thông tin nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động”, ông Nguyễn Đình Tĩnh nhấn mạnh.
Để làm được điều này, đòi hỏi chính các HTX phải bảo đảm việc cập nhật dữ liệu báo cáo lên các cấp ngành, cần thực hiện thường xuyên nhằm cập nhật và quản lý tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đầy đủ. Đây chính là công cụ, quyền lợi và trách nhiệm của HTX nếu muốn phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.
Huyền Trang
Nguồn tin: VN BUSINESS
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn