“Đánh thức” sự quan tâm
Trong khi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước đã trải qua hai kỳ (2001 - 2010 và 2011 - 2020) thì Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 340/QĐ-TTg, mới là chiến lược phát triển đầu tiên cho khu vực này.
Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển HTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng, Chiến lược sẽ giải quyết những hạn chế như phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa nông nghiệp và phi nông nghiệp; số lượng HTX tăng lên nhưng số thành viên lại có xu hướng giảm đi; sự liên kết giữa thành viên với HTX, giữa các HTX cũng như HTX với các tổ chức kinh tế khác còn hạn chế… Đồng thời, Chiến lược còn góp phần xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của cả nước.
“Những định hướng tại Chiến lược sẽ góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng, triển khai văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; định hướng phát triển kinh tế tập thể, HTX xã trên các ngành, lĩnh vực và vùng lãnh thổ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực nói riêng, của cả nước nói chung. Đặc biệt, Chiến lược sẽ “đánh thức” các bộ, ngành, địa phương đặt sự quan tâm hơn nữa đến khu vực kinh tế tập thể, ban hành và thực thi nhiều chính sách hỗ trợ HTX trong 10 năm tới”, ông Chí nói.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch LM HTX tỉnh Sơn La Lê Tiến Lợi cho rằng, Chiến lược sẽ giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh có cơ hội mở rộng thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, mở rộng liên doanh, liên kết với các công ty, nhà máy chế biến; xây dựng thương hiệu sản phẩm, tiếp cận công nghệ hiện đại trong truy xuất nguồn gốc, tem, nhãn, bao bì...
Sớm sửa Luật Hợp tác xã
Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể như đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên, 45.000 HTX với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên; số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% - 70%; có trên 5.000 HTX và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản…
Theo các chuyên gia, nhằm cụ thể hóa, nhiệm vụ trọng tâm trước tiên là các cấp ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX. Trong đó, phải gắn mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, HTX với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển HTX gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý có liên quan. Cụ thể, cần sửa Luật HTX năm 2012 theo hướng mở rộng đối tượng điều chỉnh là tổ hợp tác; đơn giản hóa các thủ tục hành chính (thành lập, đăng ký và giải thể HTX); khuyến khích mở rộng quy mô (số lượng thành viên, tỷ lệ vốn góp của thành viên, tài sản chung không chia…).
“Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định vốn góp của thành viên không quá 20% vốn điều lệ của HTX đang trói buộc, bởi có trường hợp Chủ tịch HĐQT HTX đủ năng lực tài chính nhưng cũng không được phép đóng góp nhiều hơn, đồng nghĩa HTX sẽ phải đi vay và thủ tục không đơn giản. Do vậy, cần sớm sửa đổi Luật Hợp tác xã để gỡ khó khăn về vốn”, Giám đốc HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái Lâm Thị Kim Thoa đề xuất.
Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Định (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) Trần Thanh Sơn bổ sung, cần có cơ chế hỗ trợ thu hút nhân lực trẻ có trình độ về công tác tại HTX thông qua ưu đãi về tiền lương; tạo môi trường thông thoáng cho HTX hoạt động. Theo đó, nên chuyển các công trình liên quan đầu tư hạ tầng trực tiếp phục vụ sản xuất giao cho HTX làm chủ đầu tư. Tiền bán đất của địa phương nên trích lại một phần (5% chẳng hạn) cho HTX để khi có công trình phát triển kinh tế sẽ trích sang. Để giám sát hoạt động của HTX, nên lập bộ phận quản lý cấp huyện. Đặc biệt, “cần có nghị định riêng cho HTX nông nghiệp”.
Nhìn từ chương trình hỗ trợ phát triển HTX của giai đoạn trước, các nội dung hỗ trợ mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của HTX do thiếu hụt nguồn lực tài chính. Do đó, giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên huy động và sử dụng mọi nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ; tiếp tục bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ vốn cho HTX, nhất là các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, công nghệ cao.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, để kinh tế tập thể, HTX phát triển, hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là thu hút nguồn lực. Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Liên minh HTX Việt Nam Phạm Thị Hồng Yến cho biết, giai đoạn 2016 - 2020 đã huy động hơn 3 triệu USD kinh phí từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, HTX; trên 2.000 cán bộ HTX được đào tạo, tập huấn. “Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ mở rộng các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, hướng tới mục tiêu phát triển HTX bền vững. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; giúp các HTX từng bước thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế và khu vực đã ký kết; thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng, phát triển HTX quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao”, bà Yến thông tin.
Quan điểm phát triển kinh tế tập thể, HTX “phải dựa trên nội lực của tổ chức là chính”. Do vậy, theo các chuyên gia, về phía HTX cũng cần phải nắm bắt cơ hội, chủ động nâng cao năng lực quản lý, tăng cường khả năng huy động vốn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tích cực liên doanh, liên kết và tham gia chuỗi giá trị. Chỉ khi phát huy được nội lực HTX cùng sự cộng hưởng từ các chính sách hỗ trợ sẽ giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX vươn lên, hoàn thành các mục tiêu mà Chiến lược đề ra.
Cục trưởng Cục Phát triển HTX PHÙNG QUỐC CHÍ: Củng cố năng lực hệ thống liên minh HTX
Để vỗ tay cần có hai bàn tay. Bên cạnh các cơ quan quản lý nhà nước, khu vực kinh tế tập thể, HTX muốn phát triển cần có tổ chức đại diện đủ mạnh để cùng phối hợp xây dựng và thực thi chính sách. Do đó, thời gian tới cần tập trung củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh HTX từ Trung ương đến địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp quy định pháp luật về hội và quy định có liên quan; hình thành mạng lưới tổ chức tư vấn, hỗ trợ các HTX thành lập mới, xây dựng và quản trị sản xuất, kinh doanh...
Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam CHANG - HEE LEE: Hướng tới đào tạo trực tuyến
Chất lượng nguồn nhân lực cho HTX là vô cùng quan trọng để nâng cao năng suất lao động cũng như khả năng cạnh tranh, đồng thời bảo đảm tính bền vững. Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, cần tính đến đào tạo trực tuyến để vừa tiết giảm chi phí, vừa gia tăng số lượng học viên. Thời gian tới, chúng tôi liên kết với LM HTX Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn với chất lượng tốt và tiết kiệm chi phí nhất, trong đó nhiệm vụ trước mắt là phải giải quyết được vấn đề khai thác nền tảng số để thực hiện các khóa này.
Nguồn tin: Công TTĐT LMHTX Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn