Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, những đóng góp của kinh tế tập thể, HTX trong xây dựng NTM vùng DTTS và MN là thiết thực. Những đóng góp đó là:
(1) Tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động
Khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX vùng DTTS và MN thu hút hơn 3,7 triệu thành viên, chiếm 37% tổng số thành viên HTX trên địa bàn cả nước, tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu lao động, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động khu vực HTX nông nghiệp đạt từ 0,7-1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực HTX phi nông nghiệp đạt từ 1,8-3 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như HTX sản xuất nông nghiệp Đạ K’nàng (Lâm Đồng), có 07 ha trồng cây dược liệu (nấm Linh Chi, trà hoa vàng, thảo quả,...), 40ha sản xuất rau củ quả có hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho 120 lao động thường xuyên, trong đó chủ yếu là người DTTS, thu nhập trung bình từ 5,7-11 triệu đồng/tháng; HTX nông nghiệp Evergrowth (Sóc Trăng), sản xuất, kinh doanh sửa tươi nguyên liệu, thu hút 2.949 thành viên; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 3.000 lao động; thu nhập bình quân hộ thành viên đạt trên 8,3 triệu đồng/tháng.
Tính đến tháng 6/2020, có 601 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị (chiếm 30% số HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị của cả nước), thu hút 3,7 triệu thành viên, tạo 1,1 triệu việc làm, giảm nghèo, ổn định chính trị - xã hội. |
(2) Thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động
Tham gia tổ hợp tác (THT), HTX, người dân vùng DTTS và MN dần loại bỏ những phong tục lạc hậu, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giảm được chi phí sản xuất từ 8-15%, tăng thu nhập từ 14-18%/năm cho các hộ thành viên và người lao động, tạo mối liên kết, hợp tác, tăng sức cạnh tranh; Nhà nước hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ quản trị và lao động nông thôn có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, kỹ thuật sản xuất, công nghệ, ... Điển hình là các HTX thuộc các tỉnh khu vực miền Trung Tây nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông...), khu vực miền núi phía Bắc (Sơn La, Lai Châu, Lào Cai,...) đã vận động, tập hợp hầu hết người nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún tham gia vào THT, HTX, được đào tạo cách thức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, thực hiện sản xuất gắn với chuỗi giá trị, có hiệu quả kinh tế cao.
(3) Tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng xuất lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao
Thời gian qua, các HTX vùng DTTS và MN đã tích tụ, tập trung được hơn 1 triệu hecta đất để sản xuất quy mô lớn, hiệu quả hơn; một số tỉnh phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu, điển hình như ở Sơn La, Gia Lai, Phú Yên nhiều xã đạt chuẩn NTM, trong đó HTX là đơn vị chủ trì xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, sắp xếp, bố trí sản xuất cho thành viên..., nhiều HTX vùng DTTS VÀ MN đã đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lao động tăng 3 - 5 lần; một số HTX sử dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại. Điển hình như HTX Arterria Vĩnh Châu (Bạc Liêu) sản xuất và tự chế biến thức ăn cho cá dưới dạng trứng Arterria để tiêu thụ và xuất khẩu; HTX Vạn Hoa (tỉnh Lào Cai) đã tập trung lực lượng nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước nhằm hỗ trợ, tổ chức cho thành viên sản xuất rau, hoa quả, giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, giá thành hạ thông qua việc chuyển giao cho thành viên các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.(4) Liên kết giữa các HTX, giữa HTX với các doanh nghiệp để sản xuất gắn với chuỗi giá trị
Nhiều HTX vùng DTTS và MN thực hiện liên kết với THT, doanh nghiệp (tập đoàn kinh tế như Lavifood, TH True milk, Tín Thành, Đồng Giao,..) liên kết với nhau thông qua ứng trước vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, cung ứng giống cây trồng vật nuôi, tạo vùng nguyên liệu tập trung cung ứng cho các nhà máy, cơ sở sản xuất; ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, xử lý môi trường; tiêu thụ sản phẩm, tạo vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp vùng DTTS và MN. Điển hình như các HTX tại các tỉnh Sơn La, Bắc Giang đã liên kết với các doanh nghiệp tạo thành chuỗi cung ứng các loại quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, một số sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như xoài tượng da xanh của HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Sơn La), sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn 14,4ha cây xoài, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, thị trường Úc, doanh thu năm sau cao hơn năm trước (năm 2017 đạt gần 1,5 tỷ đồng, năm 2018 đạt 2,7 tỷ đồng, năm 2019 đạt 3 tỷ đồng, năm 2020 đạt 4,6 tỷ đồng).
(5) Góp phần phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, giữ gìn bản sắc dân tộc vùng DTTS
Hầu hết các HTX trích một phần tài chính tích lũy từ phần lãi để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn như đường giao thông, đường điện, hệ thống kênh mương thuỷ lợi, trường học, nhà trẻ, trạm y tế, nhà văn hoá,...; các thành viên HTX góp công sức và vật liệu, hỗ trợ phương tiện vận tải, vật liệu để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Nhiều HTX phát triển sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như các HTX du lịch cộng đồng, du lịch homestay ở tỉnh Lào Cai, Sơn La…, kết hợp du lịch với mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống như thuốc tắm truyền thống, thổ cẩm, tinh dầu, vừa mang lại lợi ích KT-XH, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống.
(6) Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Các HTX nông nghiệp kinh doanh tổng hợp vùng DTTS và MN góp phần phát triển ngành nghề và dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đóng góp trực tiếp của khu vực KTTT, HTX vùng DTTS và MN vào phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống của người dân; Góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường, gắn với phát triển bền vững, như HTX môi trường, HTX nước sạch, HTX y tế, HTX trường học, HTX lâm nghiệp,..; Các HTX thuỷ hải sản còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, biển đảo của nước ta. Trong một số lĩnh vực, HTX tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, giải quyết nhu cầu, lợi ích chính đáng của thành viên và người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, tinh thần hợp tác, tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng DTTS và MN.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định: phát triển kinh tế tập thể, HTX có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM vùng DTTS và MN. Thực tiễn xây dựng NTM vùng DTTS và MN thời gian qua cho thấy, phát triển kinh tế tập thể, HTX là một tiêu chí quan trọng trong các tiêu chí xây dựng NTM (tiêu chí số 13) và có liên quan mật thiết đến các tiêu chí còn lại như: giảm nghèo, thu nhập, môi trường, khoa học, công nghệ...; là yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nên tảng thúc đẩy quá trình xây dựng NTM, là nòng cốt trong việc thực hiện các mô hình sản xuất theo quy hoạch; thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân; triển khai các Đề án, Dự án trong xây dựng NTM; phát huy vai trò của các thành viên HTX trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM vùng DTTS và MN. |
Nguồn tin: Công TTĐT LMHTX Việt Nam:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn