Được biết, Chương trình OCOP đã được cả hệ thống chính trị trong tỉnh vào cuộc, tạo động lực, sức lan tỏa lớn trong cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh. Thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá, người dân và du khách đã tìm hiểu, lựa chọn sử dụng một số sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua khảo sát, đánh giá sơ bộ, doanh số sau khi được công nhận OCOP của các chủ thể có sản phẩm tăng trưởng bình quân trên 10%, đặc biệt, có những đơn vị tăng trên 20%, như: HTX Xây dựng Thanh Xuân, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bình Lư, Cơ sở Ninh Sớp...
Điển hình như Cơ sở Ninh Sớp ở tổ 7, phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) chuyên sản xuất các món ăn đặc trưng của dân tộc Thái như: thịt sấy, thịt treo gác bếp, măng chua, thịt chua... mỗi sản phẩm đều được chủ cơ sở sản xuất Đèo Thị Sớp chăm chút, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng, hương vị thơm ngon. Trong đó, có 2 sản phẩm: thịt trâu và thịt lợn sấy khô được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Bà Đèo Thị Sớp – chủ cơ sở chia sẻ: để làm ra được món thịt sấy ngon, chất lượng cần lựa chọn những con lợn thịt thơm, chủ yếu lấy phần thịt mông, bởi khi sấy sẽ không bị hao. Ngoài ra, thịt phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hay như sản phẩm Rượu 25 của Hợp tác xã (HTX) Hoàng Thanh (tổ dân phố 25, phường Đông Phong) được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Được biết năm 2017, HTX bắt đầu xây dựng thương hiệu nhưng mãi đến năm 2020, sản phẩm Rượu 25 của HTX mới được công nhận là sản phẩm OCOP, từ đó đã mở ra nhiều cơ hội cho HTX trong tìm kiếm thị trường.
Bà Hoàng Thị Thanh - Chủ nhiệm HTX Hoàng Thanh chuẩn bị nguyên liệu ủ men để sản xuất rượu 25.
Giờ đây, sản phẩm Rượu 25 đã có mặt ở các tỉnh, thành như: Hà Nội, Sài Gòn, Phan Thiết, Nghệ An, Thanh Hóa. Năm 2020, mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống kinh tế nói chung, song HTX vẫn tiêu thụ được hơn 50.000 lít rượu. Hiện tại, trung bình mỗi ngày HTX nấu từ 3 – 4 tạ gạo nếp, cứ 1 tạ nếp thì lấy được 100 lít rượu. Sau khi nấu xong được chuyển xuống hạ thổ. Rượu càng ủ lâu thì độc tố trong rượu càng giảm và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dùng. Sản phẩm rượu bán ra thị trường đều được ủ qua chum, téc một thời gian nhất định, do đó sản phẩm Rượu 25 được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thời gian qua, Chương trình OCOP đã khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị, tiềm năng, lợi thế của các làng nghề, đặc sản vùng miền; tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo về chất lượng, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Tỉnh đã lựa chọn được 88 sản phẩm có tiềm năng, tham gia chu trình OCOP và hỗ trợ cho các chủ thể hoàn thiện các thủ tục theo Bộ tiêu chí quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg. Qua các đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm đã chọn được 47 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Để đạt được kết quả đó, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP được chú trọng triển khai. Đã tổ chức tập huấn được 18 lớp cho 1.117 cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp, trong đó có các chuyên đề về triển khai thực hiện Chương trình OCOP; 8 lớp tập huấn cho 520 cán bộ quản lý, điều hành thực hiện Chương trình OCOP các cấp và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức cho cán bộ quản lý chương trình cấp tỉnh, huyện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do trung ương tổ chức; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh.
Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm OCOP cũng được tỉnh chú trọng. Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh đã tổ chức cho 10 chủ thể tham gia 2 cuộc hội chợ tại Hà Nội và Lào Cai; tham gia Hội thảo “Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh miền núi phía Bắc” tại Hà Nội. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký 1 biên bản hợp tác 3 bên giữa tỉnh Lai Châu với Văn Phòng Điều phối nông thôn mới TW và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; 10 biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm OCOP với 10 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhận thức về Chương trình OCOP chưa đầy đủ nên sự tham gia của một số chủ thể còn hạn chế; số lượng các sản phẩm đặc thù của địa phương chưa nhiều; một số chủ thể khi mới tham gia còn chưa thực sự chú trọng đến việc xây dựng giới thiệu câu chuyện sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, mẫu mã sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền, vận động các chủ thể tham gia còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Chính sách hỗ trợ cho các chủ thể để nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm và xây dựng hồ sơ, kiểm nghiệm, thiết kế bao bì, nhãn mác, mẫu mã sản phẩm... chưa rõ ràng, chưa có định mức cụ thể.
Bên cạnh đó, hạn chế về đất sản xuất, mặt bằng nhà xưởng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất theo hướng tập trung cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Ngoài ra, việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất chưa mang lại kết quả cao, chưa tận dụng hết lợi thế của tỉnh như: nguồn nguyên liệu, lao động, văn hóa, cảnh quan.
Từ kết quả bước đầu, thời gian tới, tỉnh cần phát huy những thế mạnh, kinh nghiệm đã có, khắc phục bất cập, hạn chế, để hoàn thành những mục tiêu cao hơn của Chương trình OCOP, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Nguồn tin: Lai Châu online
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn