Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh; đại diện lãnh đạo Chi nhánh các ngân hàng tại Lai Châu; đại diện hơn 120 các chủ thể OCOP, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình có quan tâm đến phát triển nông nghiệp hàng hóa, bảo vệ và phát triển rừng; đại diện lãnh đạo, phòng chuyên môn một số sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố...
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đã thay mặt UBND tỉnh triển khai, phổ biến những nội dung cơ bản của Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh. Đồng chí khẳng định: Hội nghị này không chỉ đơn thuần là một Hội nghị chỉ phổ biến về các chính sách, mà Hội nghị hôm nay là một trong những hành động cụ thể của các đồng chí trong tập thể lãnh đạo và người đứng đầu Tỉnh ủy, HĐND, UBND muốn truyền đến toàn thể Hội nghị một thông điệp về một ý trí, khát vọng, mục tiêu mà trong thời gian tới tỉnh ta cần đạt được, từ đó để các đại biểu nắm, đồng thuận và cùng hành động để đạt được mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và là nền tảng trong kinh tế của tỉnh sau này...
Để thực hiện theo tinh thần đó, thời gian qua Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành 02 Nghị quyết chuyên đề là Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã dự thảo cơ chế, chính sách và HĐND tỉnh đã ban hành 02 Nghị quyết là Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, bao gồm các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm; phát triển các sản phẩm OCOP. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân; các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết này.
Trong đó, nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ sản xuất lúa hàng hóa tập trung (giống, vôi cải tạo đất); hỗ trợ phát triển chè (phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao; phát triển và bảo tồn cây chè cổ thụ); hỗ trợ trồng mới cây ăn quả tập trung (giống, phân bón lót, bón thúc năm thứ nhất theo quy trình cho 100% diện tích trồng mới; hỗ trợ công chăm sóc, phân bón năm thứ 2, thứ 3 trong thời kỳ kiến thiết cơ bản); hỗ trợ trồng hoa, rau, củ quả (đối với hoa địa lan; đối với hoa, rau, củ quả khác); hỗ trợ phát triển cây Mắc ca; hỗ trợ chuồng trại, chăn nuôi; hỗ trợ làm hầm biogas và đệm lót sinh học; hỗ trợ trồng cỏ và các loại thức ăn cho gia súc; hỗ trợ phát triển nuôi ong; nuôi cá lồng; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP (bao gồm sản phẩm tiềm năng và sản phẩm đã được công nhận OCOP); hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.
Theo Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND quy định một số nội dung về chính sách phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, bao gồm hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán, mở đường lâm nghiệp và đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân; các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết này.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi tập trung vào các nội dung như: Trình tự thủ tục hỗ trợ; các đơn vị đầu mối làm thủ tục, hồ sơ; xây dựng trang web cung cấp thông tin mặt hàng, sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh; việc hỗ trợ chăn nuôi nhỏ lẻ; phương thức hỗ trợ giống, định mức, quy trình kỹ thuật, hỗ trợ đất đai, hỗ trợ vay vốn tín dụng ngân hàng...
Sau khi nghe các ý kiến, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các ngành, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi và trả lời làm rõ các nội dung được hỏi như: UBND tỉnh sẽ giao cho cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục triển khai thực hiện chính sách, đặc biệt sẽ phân cấp cho các huyện để tạo thuận lợi cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách. Việc xây dựng trang web cung cấp thông tin mặt hàng, sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh, UBND tỉnh sẽ giao cho cơ quan chuyên môn tham mưu. Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu muốn được hỗ trợ thì phải thực hiện liên kết lại với nhau thì sẽ được hỗ trợ theo chính sách bởi chính sách nhằm khuyến khích liên kết để phát triển chăn nuôi tập trung...
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đã đánh giá cao chất lượng chuẩn bị Hội nghị của cơ quan tham mưu, của báo cáo viên triển khai các chính sách và sự có mặt, cũng như chất lượng các ý kiến của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tại Hội nghị. Đồng chí khẳng định, các ý kiến tại Hội nghị là cơ sở để tỉnh hoàn thiện việc ban hành hướng dẫn triển khai, đảm bảo chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ gia đình tại Hội nghị sẽ là hạt nhân để lan tỏa chính sách của tỉnh đến với các giai tầng, đối tượng được thụ hưởng chính sách trên địa bàn.
Nhấn mạnh lại ý nghĩa của các Nghị quyết khi ban hành nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với liên kết và bao tiêu sản phẩm. Các chính sách tỉnh ban hành trước đây chỉ tập trung vào hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, nhưng Nghị quyết lần này tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nhóm hộ. Các hộ gia đình muốn hưởng chính sách hỗ trợ cao hơn thì phải nâng cấp lên thành tổ hợp tác và nhóm hộ; cùng tham gia, liên kết, hỗ trợ, trao đổi với nhau các tri thức về thâm canh, về ứng dụng KHCN, tạo sự gắn kết để cùng phát triển. Trong Nghị quyết cũng hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP vì thực tiễn thời gian vừa qua việc phát triển các sản phẩm này đã phát huy hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới mỗi xã phải phấn đấu xây dựng ít nhất một sản phẩm OCOP... - Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Đồng chí đề nghị: Ngay sau Hội nghị này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp toàn bộ ý kiến; chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan trả lời toàn bộ các ý kiến tại Hội nghị, báo cáo UBND tỉnh và gửi trực tiếp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình. Đồng thời ban hành hướng dẫn cụ thể việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách; trong đó quy định rõ đầu mối liên hệ, công khai thông tin trên mạng để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình dễ dàng tra cứu và tìm hiểu thông tin. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thành lập Hội sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh, là một nhánh của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; thành lập group để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phản ánh những khó khăn, vướng mắc...
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh; UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách; đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ; quyết tâm không để “rơi vãi” chính sách; làm sao để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Nguồn tin: Cổng TTĐT Lai Châu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn