Sản phẩm miến dong của HTX Việt Cường (Thái Nguyên) đã đạt OCOP 5 sao và xuất khẩu sang một số thị trường như Lào, Campuchia, Châu Âu… Theo anh Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX Việt Cường, ngoài khâu hoàn thiện bao bì, xúc tiến thương mại… thì khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao cũng là một trong những điều kiện để sản phẩm của HTX thuận lợi trong khâu xuất khẩu. Hình thức xuất khẩu có thể trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp nhưng cũng là cơ hội để HTX khẳng định chất lượng thương hiệu trên thị trường.
Tiềm năng đan xen thách thức
Có thể thấy, xuất khẩu được sản phẩm OCOP là một đòn bẩy không nhỏ trong quá trình phát triển của không ít HTX. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP của các HTX hiện nay được đánh giá là có sức cạnh tranh lớn. Có những sản phẩm được đánh giá rất cao về chất lượng do được canh tác trong môi trường an toàn chưa bị tác động về ô nhiễm về đất, nước, khí hậu như miến dong của HTX Tài Hoan (Bắc Kạn), chè của HTX chè Phìn Hồ (Hà Giang)… Đặc biệt, nhiều HTX sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ Việt Nam, hữu cơ quốc tế, quy trình thương mại công bằng… Đây là tiền đề để các sản phẩm OCOP của HTX từng bước chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài nước.
Tại HTX Suối Giàng (Yên Bái), ngoài định hướng phát triển sản phẩm OCOP 5 sao, các thành viên HTX còn phấn đấu sản phẩm chè sản xuất đạt tiêu chuẩn organic của châu Âu, chứng nhận ecocert, vùng trồng được chứng nhận mã số và quy trình sản xuất đạt chứng nhận ISO. Đây là những điều kiện thuận lợi giúp sản phẩm của HTX xuất khẩu thuận lợi sang 26 thị trường trên thế giới.
Dù đã có những HTX xuất khẩu sản phẩm OCOP nhưng theo chính người đứng đầu HTX miến Việt Cường, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của HTX vẫn chủ yếu ở những thị trường gần. HTX cũng đã xuất sang thị trường châu Âu nhưng lượng hàng xuất đi vẫn còn khiêm tốn.
Cần có sự nghiên cứu để tạo ra sự hấp dẫn cho sản phẩm OCOP. |
Việc đạt tiêu chuẩn OCOP là điều quan trọng trong xuất khẩu nhưng khi xác định xuất khẩu, cũng đồng nghĩa với việc phải đáp ứng hàng loạt các quy định khắt khe. Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Miến dong Tài Hoan cho biết thị trường Châu Âu yêu cầu rất nghiêm về chất lượng, HTX phải mất hơn 3 tháng để hoàn thiện các thủ tục, vượt qua các đợt kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo về số lượng. Do đó, HTX phải nâng công suất lên khoảng 2 tấn/ngày.
Còn ông Lê Tấn Dũng, Giám đốc HTX Thăng Tiến (Đắk Lắk) cho rằng không ít HTX còn chưa mạnh về kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ để tiếp cận thị trường quốc tế. Trong khi đó, một số HTX có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP, muốn mở rộng quy mô sản xuất lại gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính.
“Hiện chưa có gói tín dụng riêng cho các khách hàng phát triển sản phẩm OCOP. Ngoài ra, phương thức cho vay như theo hạn mức hiện nay chưa phù hợp bởi đặc thù của các HTX sản xuất kinh doanh OCOP vì mặt hàng này liên quan đến nơi tiêu thụ, tính mùa vụ, vùng miền…”, Giám đốc HTX Thăng Tiến cho biết.
Tạo sự hấp dẫn cho sản phẩm OCOP
Nghiên cứu có thể thấy, châu Âu hiện nay là một trong những thị trường lớn mà một số HTX, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã xuất khẩu các mặt hàng OCOP. Ngoài các sản phẩm như da giày, dệt may, các chuyên gia cho rằng các mặt hàng rau củ quả, thủy sản, macca, hồ tiêu, cà phê, gia vị, chè, mây tre, cói thảm… là những sản phẩm thế mạnh của nhiều HTX cũng đang được xuất khẩu sang thị trường này. Nếu xuất khẩu sang Châu Âu thuận lợi, cơ hội xuất khẩu cho các mặt hàng OCOP sẽ rộng mở hơn.
Vậy nhưng một số nông sản, trong đó có cả những sản phẩm OCOP của Việt Nam vẫn vấp phải những rào cản do dư tồn thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế. Trong khi thị trường châu Âu vốn yêu cầu rất nghiêm về tiêu chuẩn hàng hóa nông sản nhập khẩu.
Do đó, PGS.TS. Mai Quang Vinh, Viện trưởng Viện Công nghệ xanh, cho rằng để các chủ thể OCOP có thể gia tăng khả tiếp năng tiếp cận thị trường châu Âu cũng như các thị trường khác, việc đầu tiên là cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiêm ngặt tuân thủ các quy định về sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất xanh… Và thực tế một số HTX tuân thủ nghiêm túc theo quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm như HTX miến Tài Hoan, HTX Yến Dương (Bắc Kạn) HTX Chúc Sơn (Hà Nội) đều có đầu ra thuận lợi.
Tuy nhiên, để làm được vấn đề này, cần có cơ chế rõ ràng trong phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến cho chế biến hàng nông sản xuất khẩu OCOP. Bên cạnh đó, cần có sự phát triển công nghệ bảo quản, sơ chế nông sản OCOP phù hợp để các HTX nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP xuất khẩu.
Bởi theo anh Trần Trung Đức, Giám đốc HTX chuối Viba (Hòa Bình) một trong những nhược điểm của phát triển sản phẩm đặc trưng OCOP là khó đảm bảo được lượng hàng hóa lớn xuất bán quanh năm. Do đó, ngoài sản xuất và xuất khẩu chuối HTX còn phải mở rộng sang sản xuất và chế biến một số mặt hàng trái cây khác. Nhưng muốn làm được điều này, cần có sự đồng hành của các trường, viện trong việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, máy móc phù hợp với quá trình phát triển sản phẩm của HTX theo từng giai đoạn để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.
GS.TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp hữu cơ - Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, cho rằng muốn thu hút khách quốc tế, sản phẩm OCOP phải tạo được sự hấp dẫn. Chẳng hạn như cũng là sản phẩm chè nhưng thông thường, chè Việt Nam lại có vị đắng, chát, màu nước không được xanh còn một số loại chè của Nhật Bản vị đắng và chát đã giảm, độ ngọt sâu, hương vị lại đậm đà hơn, nước xanh hơn.
Thực tế này là do Nhật Bản tuân thủ theo quy tắc trồng và thu hoạch chè trong bóng râm. Thời gian thu hoạch búp chè cách nhau khoảng 2 tháng. Còn tại Việt Nam, thời gian thu hoạch búp chè đã rút ngắn và cây chè được trồng hoàn toàn ngoài tự nhiên, không có phương pháp hỗ trợ phát triển nên thường rất đắng. Điều này cũng dẫn đến tình trạng, nhiều cây chè cổ thụ nhanh bị thoái hóa, không bảo đảm chất lượng để chế biến xuất khẩu.
“Vẫn từ những nguyên liệu là búp chè nhưng sản phẩm trà OCOP của Nhật Bản lại hút khách hơn. Đó có thể là do quy trình trồng, chăm sóc, cách chế biến khác nhau nên tạo ra những giá trị khác nhau”, GS.TS Đào Thanh Vân nhấn mạnh.
Còn ông Lê Văn Tám, Giám đốc HTX Sông Hồng (Hà Nội), cho biết sản phẩm ống hút rau củ của HTX cũng đi từng bước từ chứng nhận 3 sao, 4 sao lên 5 sao. Tuy nhiên để tiếp cận thị trường quốc tế thuận lợi hơn nữa, định hướng của HTX trong thời điểm này là đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, tập trung đầu tư mở rộng nhà xưởng để ổn định quy mô xuất khẩu.
Nguồn tin: VNBUSINESS::
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn