Gỡ 'điểm nghẽn', bàn cơ chế phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025

Thứ hai - 14/06/2021 21:08
Chiều ngày 14/6, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác Bộ KH&ĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam về cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) và hoạt động của Hệ thống liên minh HTX Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo về tình hình phát triển KTTT, HTX trong 5 tháng đầu năm 2021, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, cả nước thành lập mới 641 HTX, 2 liên hiệp HTX, 1.300 Tổ hợp tác (THT), đạt 42,7% kế hoạch năm 2021. Đến cuối tháng 5/2021, cả nước có 25.667 HTX, tăng 1.156 HTX so với cùng kỳ năm 2020, thu hút 6,8 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động.

DSC05220-OK-7185-1623658304.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác Bộ KH&ĐT làm việc với lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động của khu vực KTTT, HTX nổi lên một số vấn đề: Nhiều HTX được thành lập theo tiêu chí số 13 của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động; tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương còn ít (chiếm hơn 5%/tổng số HTX). Tỷ lệ khá lớn (hơn 70%) HTX quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính và quản trị yếu, thiếu nguồn lực thực hiện, ít có khả năng tự huy động nguồn lực từ thị trường. Phần lớn HTX nông nghiệp, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, vận tải... bị thiệt hại bởi dịch COVID-19 dẫn đến doanh thu dịch vụ nội bộ và tiêu thụ sản phẩm giảm trên 40%.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, mục tiêu phát triển KTTT, HTX năm 2021 là thành lập mới 1.500 HTX, 15 liên hiệp HTX và 2.500 THT; xây dựng 200 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương; thu hút hộ cá thể, cá nhân, tổ chức khác là thành viên của HTX, THT tăng 10% so với năm 2020. Trong đó, 35% hộ cá thể ở địa bàn nông thôn là thành viên HTX, THT; đào tạo, bồi dưỡng tăng thêm so với năm 2020 ít nhất 10% số cán bộ quản lý HTX... Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, do vậy việc hoàn thành các chỉ tiêu này gặp nhiều khó khăn.

Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, gần 25 triệu hộ cá thể trên toàn quốc, trong đó thành thị 8 triệu hộ, nông thôn gần 17 triệu hộ. Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá, điều này cho thấy nhu cầu rất lớn trong liên kết và hợp tác theo mô hình THT, HTX để sản xuất và giải quyết nhu cầu của đời sống. 

"KTTT, HTX dần trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững, xu hướng phát triển các HTX quy mô lớn, liên hiệp HTX; liên kết chuỗi giá trị sẽ diễn ra mạnh mẽ. Từ thực tiễn ở nước ta và kinh nghiệm phát triển HTX ở các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới cho thấy, sự hỗ trợ của Nhà nước để tăng cường nguồn lực cho HTX phát triển theo quy hoạch là rất cần thiết", ông Bảo đánh giá.

Mặc dù nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển KTTT, HTX được ban hành và thực thi, thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, Liên minh HTX Việt Nam cho biết, một số chính sách, pháp luật của Nhà nước còn bỏ sót hoặc không nêu cụ thể phạm vi, đối tượng điều chỉnh là HTX, cho nên các HTX không thể tiếp cận được các nguồn lực và các Bộ, ngành, UBND tỉnh không có căn cứ để triển khai, bố trí kinh phí Ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Cụ thể, một số chính sách hỗ trợ HTX được quy định tại Điều 6 Luật HTX năm 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật HTX năm 2012; Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 276/TB-VPCP ngày 3/8/2018 tại cuộc họp với Liên minh HTX về tình hình KTTT, HTX... chưa được thực hiện trên địa bàn cả nước hoặc có ít địa phương thực hiện. Chẳng hạn như chính sách thuế ưu đãi cho HTX, xử lý tài sản không chia của HTX khi giải thể, chuyển đổi sang hình thức tổ chức khác; hướng dẫn xử lý các khoản nợ các tổ chức tín dụng của HTX khi giải thể, phá sản...

Về chính sách thuế, phí đối với HTX có một số bất cập như: thuế giá trị gia tăng làm chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh và không khuyến khích HTX hợp tác để thành lập các liên hiệp HTX có quy mô lớn; Luật thuế thu nhập DN chưa quy định tiêu chí, công thức tính thuế áp dụng cho HTX, chưa quy định ưu đãi thuế thu nhập DN đối với các HTX phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân (thuế suất 5%) đối với thành viên HTX không hợp lý, không khuyến khích người dân góp vốn thành lập HTX...

Một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các HTX trong dịch COVID-19 (Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ ngày 19/4/2021 về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021...

Tuy nhiên, một số nội dung quy định thực thi chính sách không quy định rõ đối tượng thụ hưởng là HTX hoặc người lao động trong HTX. Một số văn bản thủ tục hành chính, hồ sơ phức tạp, qua nhiều cơ quan, ban ngành khiến các HTX thấy mất nhiều thời gian mà mức hỗ trợ không đáng kể, thậm chí có thể không đủ bù phần chi phí làm hồ sơ thụ hưởng. Một số quy định vay 0% trả lương cho người lao động nghỉ việc, thực tế HTX không chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà chỉ cho tạm nghỉ việc hoặc giảm thời gian đi làm, sử dụng nguồn quỹ dự phòng để duy trì trả lương và hỗ trợ tài chính cho người lao động.

Từ những vướng mắc trên, Liên minh HTX Việt Nam đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận được nguồn lực để phát triển, đồng thời cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường hoạt động quản lý HTX.

Liên minh HTX đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành Trung ương khi soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, thì quy định HTX, liên hiệp HTX, cá nhân thành viên của tổ chức này thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh. 

"Đề nghị Bộ KH&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định riêng về phát triển KTTT, HTX cho các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho phù hợp", Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị. 

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, bố trí vốn xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với logistics hỗ trợ KTTT, HTX. Đồng thời xem xét, bố trí nguồn lực, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Liên minh HTX Việt Nam thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam đề xuất nội dung và kinh phí thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020; Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 3/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 giao hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện...

Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị Bộ KH&ĐT bố trí tập trung nguồn lực để hỗ trợ việc nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, kinh doanh của người dân theo mô hình HTX, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX ở các xã nông thôn mới; Phát triển, thành lập mới HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ, Bộ KH&ĐT bổ sung vốn điều lệ và tạo điều kiện hoạt động cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương, kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với các Trung tâm tư vấn, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ, hình thành và phát triển HTX...

Cần có hỗ trợ cụ thể về chuyển đổi số với KTTT, HTX

DSC05338-JPG-7813-1623661067.jpg

Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình.

Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, đánh giá: hiện nay, các văn bản của Chính phủ đều rất quan tâm tới khu vực KTTT, HTX. Khu vực KTTT, HTX rất phấn khởi. Song vấn đề vướng mắc nhất là khâu thực thi. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình chung hiện nay, khu vực KTTT, HTX vẫn gặp nhiều khó khăn, có nhiều chỗ lúng túng, chưa xác định được đường đi, nước bước. Dịch COVID-19 khiến nhiều sản phẩm đầu ra của khu vực KTTT, HTX gặp khó, được mùa rớt giá. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang có hơn 400 HTX, vấn đề là làm sao có thể thực hiện chính sách hỗ trợ hiệu quả. 

Đặc biệt, về nỗi lo đầu ra của sản phẩm HTX, bà Tâm chia sẻ sản phẩm tươi chỉ có thời hạn nhất định, nên nếu không tiêu thụ được thì buộc phải giải cứu. Do vậy, thời gian tới các ngành, các cấp cần tập trung hỗ trợ đẩy mạnh khâu chế biến, trong đó cần quan tâm hỗ trợ cho Liên hiệp HTX, HTX mạnh có đủ điều kiện xây dựng cơ sở chế biến, tạo điều kiện chế biến sâu và tiêu thụ. 

Đồng thời, HTX cần phải đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, phần mềm để quản lý từ khâu sản xuất tới tiêu thụ. Các sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử, từ đó, việc lưu thông hàng hóa thuận lợi. Do vậy, cần có hỗ trợ cụ thể về chuyển đổi số với KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025.

DSC05331-OK-3469-1623661068.jpg

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX Hải Dương

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX Hải Dương cho biết ở Hải Dương, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 63%. HTX chủ yếu sản xuất sản phẩm nông sản. Trong thời gian vừa qua, các sản phẩm như rau, quả của tỉnh đã được các ngành, địa phương quan tâm "giải cứu". 

Trước ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 đang xảy ra, vải thiều Hải Dương đã được tỉnh hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử. Qua việc này thấy rằng, hiện nay với số lượng  sản phẩm chủ lực địa phương, số lượng HTX tiếp cận sàn giao dịch điện tử hạn chế. Do vậy, cần hỗ trợ HTX tiếp cận sàn thương mại điện tử. 

Đồng thời, HTX cần được hỗ trợ nhà sơ chế, nhà bảo quản sau thu hoạch. Bà Hương cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, đẩy mạnh doanh nghiệp kết nối tiêu thụ nông sản cho HTX. Hiện nay kết nối giữa HTX với doanh nghiệp còn hạn chế, chủ yếu thương lái về thu mua nên thị trường bấp bênh, sản phẩm chưa vào kênh phân phối lớn. 

DSC05327-JPG-5518-1623661068.jpg

Ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP.Hà Nội

Ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP.Hà Nội kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành địa phương cần quan tâm tới khu vực HTX hơn. Theo đó, cần có cơ sở dữ liệu về HTX. Vừa qua, chúng ta có sách trắng về HTX song mới ở cấp Trung ương, cấp địa phương còn chưa có. Nhiều địa phương nói HTX số lượng nhiều, nhưng không nắm rõ chất lượng hoạt động.

Do vậy, chúng ta cần số hóa được hoạt động HTX gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu, số hoá sản phẩm của HTX. 

Trong thời gian tới, ông Phong kiến nghị cần đẩy mạnh công tác đào tạo cho cán bộ HTX, theo hướng cầm tay chỉ việc, hướng đến ứng dụng công nghệ số. 

Nguyen-Van-Thinh-1498-1623684519.jpg

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh.

Sớm sửa Luật HTX năm 2012

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh nhìn nhận có 4 dấu ấn về chính sách trong phát triển KTTT, HTX thời gian qua.

Thứ nhất, Quyết định 2261/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 đã có nhưng câu chuyện đặt ra là nguồn lực ở đâu để thực hiện. Nếu không có nguồn lực thì Quyết định chỉ nằm trên giấy. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và vai trò tham vấn của Cục Phát triển HTX đã ban hành Công văn số 3626/BKHĐT-HTX ngày 31/5/2018 về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2261-TTg. Tuy muộn nhưng đây là chìa khoá để các địa phương, Liên minh HTX các địa phương làm căn cứ thực hiện, tạo cơ chế quan trọng, tạo nguồn lực để khu vực KTTT, HTX tiếp cận chính sách Nhà nước thông qua 2 chương trình mục tiêu quốc gia lúc đó. Tiếp đó, Quyết định số 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành ngày 12/11/2020 thay thế cho Quyết định 2261. Đây là một trong những cơ chế quan trọng để khu vực KTTT, HTX tiếp cận chính sách, từ đó tạo hiệu quả, nguồn lực để khu vực này phát triển rõ rệt.

Cùng với đó, một loạt cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trong nhiệm kỳ vừa qua được ban hành. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Cục Phát triển HTX đã tham mưu ban hành một loạt chính sách như Quyết định 167/QĐ-TTg năm 2021 về phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước, Quyết định 340/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030... Những cơ chế chính sách này được ban hành để giúp cho khu vực KTTT, HTX có điều kiện tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho khu vực này phát triển.

Dấu ấn thứ hai là về đầu tư công, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Bộ trưởng, khu vực KTTT, HTX lần đầu tiên được Bộ tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước cho khu vực KTT, HTX giai đoạn 2021-2025. Nhà nước có thể thực hiện chính sách hỗ trợ cho HTX theo Luật HTX 2012. Theo đó, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng quan tâm đến Đề án Đầu tư trung tâm hỗ trợ HTX ở 3 vùng miền Bắc, miền Trung, miền Nam của Liên minh HTX Việt Nam.

Dấu ấn thứ 3, liên quan tới Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Quỹ thành lập năm 2006, lúc đó vốn điều lệ có 100 tỷ đồng. Từ năm 2018, khi được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quan tâm, Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng đề nghị nâng vốn điều lệ từ 100 tỷ lên 1.000 tỷ đồng. Ngoài vốn, Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được ban hành đã giúp Quỹ hoạt động mở rộng hoạt động ở Trung ương và địa phương.

Dấu ấn thứ 4, toàn bộ khu vực KTTT, HTX, cũng như hệ thống Liên minh HTX được tiếp cận, thụ hưởng nguồn lực từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia để bồi dưỡng, thành lập mới, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, giống, chế biến mà trước đây không có.

Nhìn lại quá trình phát triển trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh đánh giá sự phối hợp của Bộ KH&ĐT và Liên minh HTX Việt Nam ở cấp lãnh đạo rất hiệu quả. Song đâu đó ở các cục, vụ, viện còn hạn chế chưa tương xứng với quá trình phối hợp. Vì vậy, ở khâu hoàn thiện, ban hành chính sách còn bỏ lọt, thiếu nội dung quan trọng.

Trong Quyết định 1804 thay thế Quyết định 2261, dù đã đánh giá mặt được, chưa được rất kỹ lưỡng, tuy nhiên trong nội dung có những điểm bị thụt lùi, bỏ sót. Đơn cử như xây dựng mô hình gắn với chuỗi không có trong Quyết định mới, dẫn đến xây dựng kinh phí hàng năm không có để phát triển. 

Đặc biệt, cần khắc phục sự lãng quên của khu vực này khi xây dựng các cơ chế chính sách ở các Bộ, ngành địa phương. Việc ban hành cơ chế chính sách từ xây dựng Luật, Nghị định đến thông tư hướng dẫn thì cụm từ KTTT, HTX đâu đó còn bị lãng quên, chỉ nói tới doanh nghiệp mà quên hợp tác xã. 

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cũng cho rằng cần sửa Luật HTX 2012, mong Bộ trưởng KH&ĐT quan tâm sớm đưa vào kế hoạch xây dựng lập pháp của năm 2022. Nếu không sửa sớm thì sẽ cản trở sự phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới. 

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cần ban hành văn bản hướng dẫn thay thế để triển khai một loạt cơ chế chính sách.

Về sản xuất nông nghiệp, vấn đề không phải khâu sản xuất mà phải ở thị trường, bán hàng. Bà con HTX có thể sản xuất hữu cơ, ứng dụng KHCN nhưng bí nhất là thị trường đầu ra. Mắc ở khâu hạ tầng công nghệ thông tin.

Vì vậy, liên quan tới đầu tư công, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng cần hỗ trợ phát triển hạ tầng KTTT, HTX, vì đây đang là vùng trũng nhất. Trong đó, cần tập trung đầu tư hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi, nhà xưởng, hạ tầng về công nghệ thông tin liên quan tới chuyển đổi số 4.0 để khu vực kinh tế hợp tác, HTX không tụt hậu so với khu vực kinh tế khác. 

DSC05394-JPG-4721-1623664709.jpg

Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT).

Sẽ hỗ trợ tối đa cho khu vực KTTT, HTX

Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT) khẳng định trong thời gian qua, Bộ KH&ĐT luôn xác định sẽ hỗ trợ tối đa cho khu vực KTTT, HTX. 

Theo đó, liên quan tới đề xuất sửa đổi bổ sung quy định pháp luật tạo điều kiện cho khu vực KTTT, HTX phát triển, ông Chí cho rằng đây là đề nghị chính đáng. Theo đó, đại diện Bộ KH&ĐT đề nghị Liên minh HTX Việt Nam có báo cáo cụ thể, nội dung cần sửa đổi về Luật HTX 2012 để Bộ KH&ĐT tổng hợp, bởi không ai hiểu vướng mắc HTX hơn là Liên minh HTX Việt Nam. 

Về đề nghị hướng dẫn chính sách hỗ trợ KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025, về cơ bản chính sách được cụ thể, không cần văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương để các HTX tiếp cận tốt nguồn lực hỗ trợ.

Về công tác thống kê, thực tế hiện nay có 3 luồng số liệu từ Liên minh HTX Việt Nam, Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT nên hay vênh con số, do vậy các đơn vị trên cần phối hợp Tổng cục Thống kê để thống nhất con số. 

Tuy nhiên, về bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Cục trưởng Cục Phát triển HTX cho rằng việc bổ sung vốn điều lệ cần thực hiện theo các quy định là có đề án và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Về tham gia chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết hiện tại nguồn xúc tiến đầu tư do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm, được biết Bộ Công Thương đã đề xuất 100 tỷ hỗ trợ cho khu vực HTX trong thời gian tới. Bộ KH&ĐT đã tổng hợp và gửi sang Bộ Tài chính để bổ sung quỹ này...

Về Nghị định HTX nông nghiệp do Bộ NN&PTNT trình, còn đất đai liên quan tới Bộ TN&MT, tín dụng thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT sẽ theo dõi để bám sát những vấn đề này. 

Đặc biệt, về thay đổi cụm từ kinh tế tập thể là kinh tế hợp tác, Bộ KH&ĐT giao Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu. 

Liên quan tới Diễn đàn KTHT, HTX, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết vừa mới nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham gia diễn đàn này. Năm nay tổ chức Diễn đàn theo phương thức mới, thực sự có tương tác giữa các bộ, ngành với khu vực KTTT, HTX với nhau. 

DSC05416-LE-MANH-HUNG-4484-1623668556.jp

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT).

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), cho biết đang thực hiện chương trình hỗ trợ DN, HTX thực hiện chuyển đổi số theo chương trình hỗ trợ nguồn lực từ USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ), theo đó đưa đối tượng HTX, hộ kinh doanh vào chương trình hỗ trợ, hiện đã tổ chức khoá đào tạo cho DN, HTX tham gia. 

Đặc biệt, Cục Phát triển DN cũng sẽ trình Chính phủ chương trình hỗ trợ ngân sách cho DN, HTX chuyển đổi số vào tháng 9 năm nay, khi đó có điều kiện bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước để triển khai. 

DSC05472-JPG-9064-1623667963.jpg

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. 

Thiết kế chương trình ODA riêng cho khu vực KTTT, HTX

Bày tỏ những trăn trở trong việc phát triển KTTT, HTX trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận ở khu vực này, người lao động còn thiệt thòi nhiều. Trong nông nghiệp 4 khâu là: giống, phân bón, nuôi trồng, chế biến và thị trường. Hiện nay, nông dân đang làm đúng mỗi một khâu là nuôi trồng, chủ yếu dùng sức lao động, gia công nên giá trị gia tăng thấp, rủi ro cao; trong khi 3 khâu còn lại phần lớn doanh nghiệp nước ngoài tham gia. 

"Tôi trăn trở làm sao người nông dân sản xuất ít nhưng hiệu quả. Giá trị lợi nhuận thu về phải cao", ông Dũng bày tỏ. 

Bộ KH&ĐT đánh giá vai trò, vị trí của khu vực KTTT, HTX rất quan trọng, nếu người sản xuất không hợp sức tạo ra sản phẩm đủ chuẩn, sản lượng lớn, giảm chi phí thì không cạnh tranh, không tồn tại được trong tình hình hiện nay. 

Nhắc tới số lượng HTX, THT đang hoạt động, Bộ trưởng KH&ĐT nhìn nhận chắc chắn khu vực này sẽ đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cân bằng phát triển giữa các vùng miền khác nhau. 

Theo ông Dũng, xu thế phát triển là không chạy theo số lượng, gắn tăng trưởng với tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 

"Quyết định thành công hay không thành công của khu vực này chủ yếu là do các cấp, các ngành. Theo đó, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức hoạt động, đặc biệt là hỗ trợ", ông Dũng nhấn mạnh.

Về kiến nghị hoàn thiện thể chế chính sách, Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng rất quan trọng và cần nghiên cứu kịp thời, đánh giá, phân tích để không phải chỉ có thể chế liên quan trực tiếp tới KTTT, HTX mà còn các chính sách của các ngành, lĩnh vực khác cũng phải hiện diện khu vực này. Làm bài bản để lột tả bức tranh, thực trạng phát triển khu vực KTHT, HTX.

Việc tham gia chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ DN, Bộ KH&ĐT giao cho Cục Phát triển HTX và Cục Phát triển DN để làm sao gắn kết với chương trình các bộ, dự án cụ thể; Các Liên minh HTX, HTX, DN, địa phương tham gia thế nào. 

Về bổ sung nguồn lực trong vốn đầu tư công trung hạn, Bộ KH&ĐT giao cho Cục Phát triển HTX tập hợp nhu cầu, báo cáo lãnh đạo. Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết có thể thiết kế chương trình ODA riêng cho khu vực KTTT, HTX để giải quyết các vấn đề ở Trung ương và địa phương, tất nhiên chọn vấn đề, nội dung cho cụ thể như hỗ trợ thu hút được DN, liên kết tạo được chuỗi, xây dựng cơ sở hạ tầng về chế biến, bảo quản; đào tạo nhân lực, hạ tầng; xây dựng cơ sở về dữ liệu HTX, sản phẩm HTX. 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho biết 3 Trung tâm tư vấn, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ, hình thành và phát tiển HTX thì phải xây dựng đề án khả thi về chọn địa điểm, nhân rộng cách làm hay, có mô hình phát triển tốt. 

"Đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận, nâng công nghệ cao lên một bước nữa. Chính điều này là kinh tế nông nghiệp. Theo đó, Liên minh HTX Việt Nam cần quán triệt tinh thần tới các HTX, thành viên HTX trong thời gian tới", ông Dũng đánh giá. 

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết sẽ sửa đổi chính sách để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, cân đối cung cầu trong sản xuất, thay vì việc loanh quanh chuyện cam, chè, lợn mán mà phải tính đến mở rộng sang những phân khúc cây trồng khác như dược liệu. 

"Việc sửa đổi chính sách cần phải tạo hỗ trợ thiết thực cho hệ thống Liên minh HTX từ Trung ương tới địa phương để giúp người dân nhận thấy rõ lợi ích từ việc tham gia HTX, đóng góp sức lực của mình vào phát triển KTTT, HTX. Làm sao để những hỗ trợ của khu vực này chỉ là ban đầu, sau đó khu vực này sẽ tự lớn lên được", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chia sẻ.

Nguồn tin: VNBUSINESS:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bản đò hành chính tỉnh Lai Châu
Văn bản mới

113/2024/NĐ-CP

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã

Thời gian đăng: 21/10/2024

lượt xem: 67 | lượt tải:40

Luật

Luật Hợp tác sửa đổi 2023

Thời gian đăng: 13/11/2023

lượt xem: 1428 | lượt tải:202

01/QĐ-TTg

Quyết định phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030"

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 1316 | lượt tải:159

45/2021/NĐ-CP

Nghị định của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã

Thời gian đăng: 08/04/2021

lượt xem: 1823 | lượt tải:241

340/QĐ-TTg

Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030

Thời gian đăng: 08/04/2021

lượt xem: 1583 | lượt tải:181
Liên kết
http://chinhphu.vn
mpi.gov.vn
laichau.gov.vn
vca.org.vn
dichvucong.laichau.gov.vn
sokhdt.laichau.gov.vn
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down