Chia sẻ về điều này, bà Lương Thị Mạnh, dân tộc Mông, thành viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông lâm nghiệp thôn Chang (HTX thôn Chang) cho biết: "Mấy chục năm gắn bó với đồng ruộng, chưa bao giờ nông dân thôn Chang lại thấy công việc đồng áng nhẹ nhàng như hiện nay. Máy móc về tận đồng ruộng giúp người dân không phải bỏ nhiều công sức mà năng suất lại cao hơn hẳn. Gia đình tôi có 6 sào ruộng, trước đây đều làm thủ công nên hiệu quả không cao. Từ năm 2015, sau khi tôi vào HTX, mọi công việc từ làm đất, gieo mạ, cấy, gặt... đều cơ bản thực hiện bằng máy. Hơn nữa, do liên kết với các gia đình khác thuê máy nên giá dịch vụ cũng khá rẻ. Trước đây, để gặt 6 sào ruộng phải thuê 10 người với chi phí hàng triệu đồng thì nay thuê máy gặt chỉ mất 30 phút với chi phí khoảng 200.000 đồng".
Nhiều điểm bán rau của bà con HTX Rau 20-10 tại Hà Giang |
HTX thôn Chang được thành lập từ tháng 12-2015 với 124 thành viên hoạt động ở 4 tổ sản xuất, chủ yếu là nông-lâm nghiệp và dịch vụ. Đây là mô hình HTX toàn thôn (tất cả các hộ trong thôn đều tham gia HTX) đầu tiên của tỉnh. Trước khi có HTX, người dân thôn Chang chủ yếu áp dụng lối canh tác cũ, sản xuất nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Thế nhưng ngay sau đại hội thành viên, HTX đã tổ chức lại sản xuất theo phương pháp “5 cùng”, gồm: Cùng giống, cùng gieo cấy, cùng kỹ thuật, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch nên giảm được chi phí đầu tư, giải phóng sức lao động. Do công tác điều hành, quản lý có hiệu quả nên việc sản xuất nông nghiệp ở thôn Chang đạt được những kết quả đáng mừng: Năng suất lúa tăng từ 55 tạ/ha lên 65 tạ/ha; đàn lợn, đàn trâu đều tăng; từ đó, thu nhập bình quân đầu người trong thôn tăng từ 16 triệu đồng lên hơn 20 triệu đồng/người/năm.
Sau thời gian nhân rộng mô hình HTX toàn thôn, đến nay, tại Hà Giang có nhiều HTX làm ăn hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho người lao động như: HTX sản xuất cam VietGAP (xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang) quản lý 48ha cam sành, sản lượng hằng năm đạt hơn 900 tấn; HTX rau 20-10 (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ) liên kết 70 hộ trồng rau, hoa, hằng năm, HTX thu mua hơn 200 tấn rau bán ra thị trường... Thực tiễn cho thấy, mô hình HTX toàn thôn phù hợp với đặc thù tỉnh Hà Giang. Việc phát triển mô hình HTX toàn thôn góp phần quan trọng giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, tiếp cận với kỹ thuật, máy móc hiện đại trong sản xuất nông, lâm nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập...
Nguồn tin: Công TTĐT LMHTX Việt Nam:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn