Lai Châu: Xây dựng mỗi xã một sản phẩm

Chủ nhật - 06/06/2021 21:24
Cùng với các địa phương trong cả nước, từ năm 2019 đến nay tỉnh Lai Châu đã và đang tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua Chương trình đã mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Đồng chí Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận công nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể năm 2020.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị cho sản phẩm. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Để triển khai chương trình này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2019-2020; Quyết định số 1176/QĐ-UBND ngày 27/9/2019 của UBND tỉnh về việc bổ sung nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 để thực hiện Chương trình OCOP phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành thành viên kịp thời triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh; ban hành Quyết định số 542/QĐ-UBND ngày 13/5/2020 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2020. Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP và tổ giúp việc Hội đồng, quy chế đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cũng đã được thành lập và tích cực triển khai các nhiệm vụ của chương trình phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Các xã đã bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP vào nhiệm vụ Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã và phân công cán bộ phụ trách OCOP.

Với vai trò là cơ quan chủ trì, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với sở, ngành, địa phương và đơn vị chức năng cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP đến các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân. Năm 2020, tổ chức 8 lớp tập huấn cho 520 cán bộ quản lý, điều hành thực hiện Chương trình OCOP các cấp và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh; thăm quan, học tập kinh nghiệm tại một số mô hình, địa phương tiêu biểu trong thực hiện Chương trình OCOP tại một số đơn vị, địa phương trong cả nước. Đồng thời, đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các chủ thể đánh giá, lựa chọn được 88 sản phẩm có tiềm năng tham gia chu trình OCOP và hỗ trợ cho các chủ thể hoàn thiện các thủ tục theo Bộ Tiêu chí do Chính phủ quy định.

Sau thời gian hoàn thiện hồ sơ, nâng cao sản phẩm, năm 2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp đã tổ chức đánh giá, phân hạng được 2 đợt với 47 sản phẩm. Trong đó, đợt 1 có 23 sản phẩm OCOP với 14 sản phẩm đạt 3 sao, 9 sản phẩm đạt 4 sao; đợt 2 có 24 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Không chỉ vậy, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến thời điểm này, toàn tỉnh cũng đã có thêm 75 sản phẩm mới của 44 chủ thể đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP, 5 sản phẩm của 2 chủ thể đăng ký tham gia nâng hạng sao…

Trong quá trình triển khai Chương trình OCOP nhiều sản phẩm nông nghiệp của các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, mở rộng phát triển thị trường không chỉ trong khu vực, trong nước mà nhiều sản phẩm còn vươn ra được thị trường quốc tế. Điển hình như Công ty cổ phần đầu tư phát triển Chè Tam Đường đã sản xuất các loại trà Oolong, Mat cha, Kim Tuyên... (sản phẩm OCOP đạt 4 sao) có mẫu mã, chất lượng tốt đưa vào tiêu thụ tại thị trường trong nước và một số nước như: Đài Loan, Nhật Bản, EU, Afghanistan, Pakistan…

Hay như sản phẩm gạo Séng Cù đặc sản Than Uyên của Hợp tác xã xây dựng Thanh Xuân huyện Than Uyên cũng đã được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP năm 2020 đạt 4 sao. Ông Nguyễn Văn Yên – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) xây dựng Thanh Xuân huyện Than Uyên chia sẻ: Hiện HTX có 4 sản phẩm được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP để sản phẩm gạo đặc sản đến được tay người tiêu dùng, HTX đã chú trọng việc thiết kế bao bì mẫu mã sản phẩm, đăng ký logo nhãn hiệu sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, việc truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cũng được HTX thực hiện theo sự hướng dẫn của đơn vị chức năng; liên doanh, liên kết với các chuỗi cửa hàng, siêu thị, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông sản trên địa tỉnh và 10 tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Nghệ An, Lào Cai… nhiều người đã biết đến thương hiệu sản phẩm gạo đặc sản của HTX và liên hệ trực tiếp đặt hàng. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và cung ứng sản phẩm cho các đơn vị liên kết xuất khẩu sang thị trường một số nước Châu Âu, HTX còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 400 hộ gia đình trồng lúa trên địa bàn nhằm đảm bảo nguồn cung, ổn định đầu ra cho sản phẩm gạo Séng Cù cũng như một số sản phẩm khác như gạo tẻ tròn Than Uyên, gạo nếp tan Pỏm Than Uyên, đem lại thu nhập ổn định cho các xã viên từ 6-8 triệu đồng/người/tháng; góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân trồng lúa tại địa phương. Từ khi được UBND tỉnh công nhận phân hạng sao các sản phẩm OCOP, doanh thu của HTX đã tăng khoảng 20% so với trước đây...

Mô hình liên kết sản xuất lúa đặc sản Séng cù tại xã Mường Cang - Hua Nà huyện Than Uyên nhằm xây dựng vùng nguyên liệu, đầu ra ổn định cho sản phẩm gạo đặc sản.

Có thể khẳng định từ khi triển khai đến nay, Chương trình đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo động lực, sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất kinh doanh. Thông qua công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu sản phẩm người dân và du khách đã tìm hiểu, lựa chọn sử dụng một số sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Lai Châu. Điển hình như trong khuôn khổ của Tuần Văn hóa Lai Châu tại Hà Nội, tỉnh đã tổ chức các gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá và cung cấp sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản địa phương như Miến dong Bình Lư, Nấm đông trùng hạ thảo, Gạo dâu Lai Châu... đã thu hút người dân thủ đô đến tham quan, mua sắm. Qua đó, tạo cơ hội cho cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tìm kiếm thông tin thị trường, khách hàng và ký các hợp đồng đại lý tiêu thụ và hợp tác phát triển sản phẩm OCOP, đồng thời kích cầu phát triển sản phẩm nông sản của tỉnh... 

Qua khảo sát sơ bộ, doanh số các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP của các chủ thể có sản phẩm tăng trưởng bình quân trên 10%, đặc biệt có những đơn vị tăng 20% như HTX Thanh Xuân, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư… Chương trình OCOP đã khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị tiềm năng, lợi thế của các ngành nghề, đặc sản vùng miền, tạo ta nhiều sản phẩm đảm bảo về chất lượng, tăng thu nhập cho người lao động địa phương.

Tuy nhiên, trong Chương trình OCOP thì cơ quan Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện. Do vậy, để Chương trình OCOP thực sự hiệu quả thì các chủ thể có sản phẩm cần tích cực tham gia chương trình, quan tâm đầu tư xây dựng giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại đến việc thiết kế mẫu mã sản phẩm nhằm thu hút người tiêu dùng; các chủ thể, doanh nghiệp, HTX cần có sự liên doanh, liên kết chặt chẽ, sáng tạo linh hoạt hơn nữa trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại, kích cầu người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng sản phẩm… Đồng thời, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký với cơ quan chức năng nâng hạng sao sản phẩm đã được xếp hạng tiến tới nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần thúc đẩy cải thiện thu nhập, đời sống của mỗi chủ thể, doanh nghiệp, HTX và tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Với đặc thù là một tỉnh miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và các làng nghề truyền thống và nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản của tỉnh nếu khai thác, phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Với nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”, thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình OCOP; triển khai các bước thực hiện theo Chu trình theo quy định; tiếp tục hoàn thiện chính sách Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025... đem lại hiệu quả Chương trình, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh.

Nguồn tin: Cổng TTĐT Lai Châu:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bản đò hành chính tỉnh Lai Châu
Văn bản mới

113/2024/NĐ-CP

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã

Thời gian đăng: 21/10/2024

lượt xem: 51 | lượt tải:30

Luật

Luật Hợp tác sửa đổi 2023

Thời gian đăng: 13/11/2023

lượt xem: 1406 | lượt tải:196

01/QĐ-TTg

Quyết định phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030"

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 1297 | lượt tải:153

45/2021/NĐ-CP

Nghị định của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã

Thời gian đăng: 08/04/2021

lượt xem: 1807 | lượt tải:233

340/QĐ-TTg

Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030

Thời gian đăng: 08/04/2021

lượt xem: 1554 | lượt tải:174
Liên kết
http://chinhphu.vn
mpi.gov.vn
laichau.gov.vn
vca.org.vn
dichvucong.laichau.gov.vn
sokhdt.laichau.gov.vn
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down