Ông Trần Bá Tạo, Giám đốc HTX nông nghiệp xanh Tạo Thành (Hậu Giang) cho biết, thời gian qua, quả mít xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Hiện, Trung Quốc mở cửa trở lại là điều tích cực về đầu ra cho nông sản của các thành viên. Tuy nhiên, để sản xuất thực sự ổn định và bền vững, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền các cấp trong việc định hướng cho nông dân, HTX trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Loay hoay với bài toán tiêu thụ
Mong muốn của ông Tạo cũng là mong muốn của không ít HTX hiện nay. Bởi nhìn từ thực tế, nhiều HTX dù đã tái sản xuất nhưng không phải để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết mà chỉ để kịp mùa vụ. Có HTX tái sản xuất trong niềm hứng khởi vì vụ mùa trước Tết, nông sản tiêu thụ có phần thuận lợi, giá cả hợp lý. Nhưng, thực chất đầu ra của nông sản vụ mùa tiếp theo ra sao, giá cả thế nào… thì vẫn bị bỏ ngỏ.
Điển hình như một số tổ hợp tác, HTX trồng mía ở xã Hiệp Hưng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) đang đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng mía, tất bật trồng vụ mới vì giá mía vụ thu hoạch trước đó luôn trên 1.000 đồng/kg, cho lãi từ 15-20 triệu đồng/công.
Nhiều người dân, thành viên HTX vẫn canh cánh nỗi lo đầu ra cho nông sản. |
Nhiều ý kiến cho rằng, dù vụ thu hoạch vừa qua được giá thì kịch bản người dân, HTX trồng mía đường vẫn khó có thể thay đổi. Bởi, mỗi khi giá mía xuống thấp thì nông dân, HTX đỏ mắt chờ nhà máy xuống thu mua. Còn khi giá mía tăng cao thì nông dân, HTX lại phải đối mặt với vấn đề giá vật liệu đầu vào tăng cao hay chuyện tìm nhân công thu hoạch, vận chuyển vì điều này vốn rất khó khăn do mỗi khi vào vụ.
Còn với trồng lúa, giá lúa vụ thu đông vừa qua ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng 600-1.000 đồng/kg giúp các HTX trồng lúa được mùa, được giá. Nhưng thực chất, việc các HTX được mùa được giá phần lớn là vì may mắn từ nhu cầu mua gạo của một số nước tăng cao do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga – Ukraine và một phần do thời điểm đó Ấn Độ hạn chế việc xuất khẩu gạo.
Việc phụ thuộc vào may rủi của thị trường cho thấy sự bấp bênh trong sản xuất kinh doanh của người dân, HTX. Và điều này cũng cho thấy khâu tổ chức sản xuất và dự báo thị trường vẫn còn nhiều lỗ hổng, dẫn đến việc người dân, HTX bị động trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Sản xuất chưa thuận lợi
Nhiều ý kiến cho rằng để ổn định đầu ra, bảo đảm giá cả, người dân, thành viên HTX phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường. Điều này là đúng, nhưng theo ông Nguyễn Văn Thứ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), nhiều HTX, doanh nghiệp muốn sản xuất theo các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để phục vụ thị trường, tuy nhiên ngặt một nỗi là các nước trên thế giới đều có tiêu chuẩn cụ thể cho các sản phẩm, nông sản nên HTX, doanh nghiệp dễ dàng áp dụng vào sản xuất thì tại Việt Nam, các tiêu chuẩn cho nông sản, thực phẩm chưa được như vậy.
Ngay như tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ quốc gia hiện cũng chưa hoàn thiện, chưa được các quốc gia khác công nhận nên gây không ít khó khăn cho HTX, doanh nghiệp trong việc chứng nhận cũng như cản trở quá trình giám sát chất lượng và đưa nông sản ra thị trường.
Hay vướng mắc về quy định sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm chưa được sửa đổi. Cùng với đó là dự thảo liên quan đến ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm có nhiều quy định chưa hợp với thực tiễn cũng gây khó khăn cho không ít HTX trong ngành hàng thực phẩm.
Bên cạnh đó, lúa gạo là ngành chủ lực và đã từng có nghị quyết đề cập đến việc bảo đảm người trồng lúa có lãi ít nhất 20-30%. Vậy nhưng nghị quyết này lại không có biện pháp hỗ trợ cụ thể. Chính vì vậy mà nếu như người dân Thái Lan và một số nước khác được nhà nước trợ giá lúa gạo thì người dân, thành viên HTX ở Việt Nam vẫn mãi không thể làm giàu với nghề trồng lúa, dù có lúc giá lúa trên thị trường khá cao.
Các chuyên gia cho rằng, để hạn chế sự bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp, cơ quan quản lý cần phải xác định đây là nền kinh tế mũi nhọn. Một điều dễ nhận thấy là khoảng 65% người dân hiện nay sống dựa vào nông nghiệp nhưng Việt Nam lại chưa có Luật Nông nghiệp. Đặc biệt, mô hình HTX vẫn bị đánh giá là có nhiều rủi ro nên hạn mức tiếp cận các nguồn vốn vay còn thấp. Nhiều HTX có dự án, kế hoạch sản xuất rõ ràng nhưng chỉ được vay 20-30% giá trị khiến mô hình này chưa thể đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng hiện đại.
Chính vì vậy, cần có cái nhìn mới mẻ, đầy đủ hơn về mô hình HTX để tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, hạn chế sự bấp bênh, bất định. Đặc biệt, cần có những giải pháp cụ thể để tạo nền tảng cho người dân, thành viên HTX trực tiếp sản xuất kinh doanh. Trong đó, cần có những dự báo cụ thể, chính xác hơn nữa nhằm cảnh báo cho nông dân, thành viên HTX. Chỉ khi có những dự báo và thông tin thị trường chính xác mới giúp cải thiện được tình hình sản xuất và đầu ra cho nông sản.
Ông Vũ Văn Vĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Quảng Phú (Thanh Hóa) cho biết, HTX cũng chủ động nắm bắt thực tiễn nhưng khó có thể toàn diện, vĩ mô nên rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý. Ít nhất là có những hướng dẫn, hỗ trợ HTX những phương án dự phòng, cấp đông sản phẩm hay chế biến đồ hộp để tiêu thụ nông sản.
Còn ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX Thủy sản Yên Nguyên (Tuyên Quang) cho rằng, không ít HTX hiện nay có sản phẩm OCOP nhưng khi vào trang liên quan thì thông tin còn rất hạn chế, không có kết nối online đến các HTX và phân phối, thông tin sản phẩm chưa rõ ràng. Theo ông Thiết, những điều này riêng HTX khó có thể làm được mà phải cần sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan đến khoa học, công nghệ.
Nguồn tin: VNBUSINESS:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn