Trong mùi chát ngọt của vị chè Tân Uyên, ông Đào Văn Minh - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh giới thiệu với chúng tôi vườn cây mắc-ca trồng xen với cây chè do cựu TNXP huyện Tân Uyên làm chủ HTX. Bằng giọng đầy tự hào về đồng chí, đồng đội của mình, ông Minh nói: “Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các anh, chị em đã cống hiến một phần tuổi xuân của mình, không quản gian lao. Nay đất nước được hòa bình, họ lại trở thành những trụ cột trong phát triển kinh tế ở địa phương, định hướng, hỗ trợ cho con, cháu làm ăn. Đồng thời họ cũng là những hội viên cựu TNXP mẫu mực, đi đầu thực hiện phong trào cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi”.
Hội viên tham quan mô hình cây mắc-ca trồng xen chè của Hợp tác xã Cựu thanh niên xung phong huyện Tân Uyên.
Được biết, HTX Cựu TNXP huyện Tân Uyên do ông Nguyễn Xuân Cát (khu 1, thị trấn Tân Uyên) làm chủ nhiệm với sự tham gia của 9 hội viên TNXP và hộ thân cận trong gia đình. Cách đây 9 năm, ông Cát là một trong những người đầu tiên của huyện Tân Uyên đưa gần 200 cây mắc-ca trồng xen trên 1ha chè. Việc này được xem là sự sáng tạo vượt bậc của cá nhân ông Cát, làm gương cho nhiều hộ nông dân khác học tập bởi việc trồng xen 2 loại cây này tận dụng tối đa quỹ đất hiện có. Đồng thời, không làm ảnh hưởng, không trì hoãn sự phát triển của cây mà sinh trưởng song song, cho thu nhập cùng nhau. Trên 1ha chè, mỗi năm ông Cát thu về 100 triệu đồng nhưng năng suất từ cây mắc-ca vẫn không giảm với trung bình khoảng 80kg quả tươi/cây/năm.
Với sự sáng tạo này, năm 2012, Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ Đại học Lâm nghiệp đã tận dụng vườn mắc-ca xen chè của gia đình ông Cát thực hiện đề tài “Khảo nghiệm giống và đánh giá khả năng phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam”. Với việc khảo nghiệm, Viện nghiên cứu khẳng định cây mắc-ca hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Tân Uyên. Do đó, trong giai đoạn 2015-2020 đã đạt được mục tiêu nhân 10 loại giống ở 4 dòng, từ đó có cơ sở tiếp tục nhân rộng trồng cây mắc-ca ra 6 tỉnh miền núi phía Bắc.
Trước đây, ông Cát đã hợp đồng với Trung tâm Dưỡng lão (Thành phố Hà Nội) để tiêu thụ quả mắc-ca. Đây là sản phẩm giàu dinh dưỡng, có thể chế biến thành các món ăn dạng tinh bột cho người già. Nhờ đó, nguồn tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, mấy năm nay, tình hình dịch Covid-19 phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân khiến cho việc xuất bán sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Nhưng trong cái khó lại nảy ra hướng đi mới, ông Cát đã huy động một số hội viên TNXP trong chi hội chung vốn để thành lập HTX, không chỉ chế biến, tiêu thụ nguồn mắc-ca của gia đình mà còn trực tiếp thu mua mắc-ca ở địa bàn thành phố Lai Châu, huyện Tam Đường và một số vườn mắc-ca trên địa bàn huyện. Từ đó, ông tìm kiếm thị trường thu mua, từng bước giải quyết vấn đề tiêu thụ mắc-ca cho toàn tỉnh.
Để sản phẩm mắc-ca đến với thị trường nhiều nơi trong cả nước, trước tiên, HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng trên diện tích 300m2 và dây chuyền máy móc thiết bị chế biến bao gồm: máy bóc vỏ, máy sấy, máy tách hạt, máy hút chân không với tổng nguồn vốn 350 triệu đồng. Cầm trên tay thành phẩm mắc-ca được HTX sản xuất trọn gói, ông Cát giới thiệu: Đây là sản phẩm được HTX chúng tôi đặt niềm tin sau bao ngày trông đợi. Tất cả từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến cho đến đóng gói bao bì sản phẩm đều được các thành viên HTX thực hiện. Tuy thời gian đầu việc thực hành so với lý thuyết còn có những vấn đề khác nhau, thất bại cũng có nhưng quan trọng HTX đã tích lũy được kinh nghiệm trong việc sản xuất và chế biến mắc-ca. Đến nay, sản phẩm mắc-ca do HTX sản xuất tương đối đạt yêu cầu và có thể cạnh tranh với sản phẩm trên thị trường. Với giá bán 500.000 đồng/kg mắc-ca bóc trần và 300.000 đồng/kg quả mắc-ca khô, hiện nay HTX đang tận dụng tối đa chức năng quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm.
Mắc-ca đang là cây công nghiệp được tỉnh khuyến khích đưa vào trồng và diện tích không ngừng tăng qua mỗi năm, tuy nhiên chưa có cơ sở nào thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Do đó, việc hình thành HTX Cựu TNXP huyện Tân Uyên cần được sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, trong đó trước tiên là tạo điều kiện hỗ trợ về vốn đầu tư phát triển, sau đó là kết nối thị trường tiêu thụ để việc phát triển cây mắc-ca được thuận lợi hơn. Đối với tổ chức Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã cũng cần quan tâm đến nhu cầu của hội viên, thành viên, qua đó tạo cú huých cho những thành phần kinh tế này đủ tự tin và mạnh dạn đầu tư để phát triển.
Nguồn tin: Lai Châu online:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn