Cung vượt cầu
Theo số liệu báo cáo mới nhất của ngành Công thương, ngành Nông nghiệp tỉnh, đến cuối tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng các sản phẩm nông sản khá lớn như: chè khô 3.030 tấn, chuối quả 3.000 tấn, đương quy 50 tấn, hoa hồng 450.000 bông, cá (cá chiên, cá lăng, cá nheo, rô phi) 141 tấn; cá hồi, cá tầm là 52 tấn…
Nhiều năm trở lại đây, cây chè được coi là cây chủ lực của tỉnh, 8 tháng đầu năm các cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh đã chế biến được 6.933 tấn chè khô các loại (trong tổng diện tích 5.970ha chè kinh doanh) nhưng cũng chỉ tiêu thụ được 4.688 tấn (bao gồm cả lượng tồn đọng năm 2020) chủ yếu xuất sang thị trường các nước: Trung Đông, Đài Loan, một số nước Châu Âu và một phần tiêu thụ trong nước. Số lượng chè tồn kho không tiêu thụ được của 20 Công ty, HTX và 54 cơ sở chế biến là hơn 3.030 tấn chè khô.
Bà Bùi Thị Kim Liễu, Quản đốc Nhà máy chế biến chè Lai Châu (Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường) cho biết: Mặc dù không bán được chè khô nhưng Công ty vẫn cố gắng thu mua toàn bộ chè búp tươi cho bà con để đảm bảo chất lượng; 1 ngày từ 50-60 tấn để sản xuất ra chè khô. Do tình hình dịch bệnh và chiến sự ở Afganistan đã ảnh hưởng việc xuất khẩu chè của đơn vị. Hiện còn tồn trên 670 tấn chè khô và phải xếp cao trong kho. Nếu tình trạng này vẫn còn diễn ra thì nhà máy không còn kho để xếp hàng tồn, Công ty không bán hàng được để trả tiền cho người dân và công nhân.
Có mặt tại 3 kho chứa hàng trăm tấn chè khô chưa xuất khẩu được, bà Phạm Thị Nụ - Giám đốc Công ty TNHH chè Shan Trúc Thanh (thành phố Lai Châu) không khỏi lo ngại: “Nếu cứ tình trạng không bán được chè, đồng nghĩa với việc không thể trả tiền mua chè tươi cũng như tiền cho công nhân. Hiện Công ty đang còn tồn trên 500 tấn chè khô trong khi thị trường xuất khẩu chủ yếu sang nước Afganistan, Pakistan. Chè không bán được nhưng mỗi ngày Công ty vẫn phải thu mua hàng chục tấn chè tươi cho người dân".
Bà Phạm Thị Nụ, Giám đốc Công ty TNHH chè Shan Trúc Thanh (thành phố Lai Châu) chia sẻ khó khăn khi chè tồn kho.
Cùng chung tình trạng giống cây chè là tình hình tiêu thụ chuối. Toàn tỉnh có trên 4.128ha chuối, sản lượng đã thu hoạch từ đầu năm đến nay là 30.000 tấn, trong đó tiêu thụ được 27.000 tấn chủ yếu sang Trung Quốc qua kênh tiêu thụ: xuất khẩu qua cửa khẩu Ma Lù Thàng của tỉnh 17.973 tấn, tiêu thụ trong nước 9.027 tấn. Sản lượng chuối đến thời kỳ thu hoạch còn khoảng 3.000 tấn và đang bắt đầu đến kỳ cho thu hoạch, tuy nhiên tại cửa khẩu Ma Lù Thàng do doanh nghiệp phía Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu mặt hàng này từ tháng 7/2021 và các sản phẩm nông sản khác như: đương quy, hạt tiêu, riềng, sa nhân, thảo quả gây ùn ứ mặt hàng nông sản.
Dẫn chúng tôi đi xem những bể cá tầm, cá hồi đã đến tuổi xuất bán, ông Dương Văn Bình ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình (Tam Đường) những ngày này đứng ngồi không yên, ông thường xuyên đăng tin rao bán cá hồi, cá tầm lên các trang mạng xã hội: zalo, facebook nhằm tìm mối tiêu thụ cá, được con nào hay con nấy để bớt gánh nặng thua lỗ. Nhưng lượng sản phẩm bán ra chỉ nhỏ giọt, được khoảng vài tạ/ngày. Ông Bình chia sẻ: Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng việc kinh doanh, nguồn cung lớn hơn cầu không bán được. Ngày trước 1kg cá hồi có giá khoảng 250 nghìn đồng nhưng giờ chỉ còn 160-170 nghìn đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi mới bán được 3 tấn cá hồi, 4 tấn cá tầm to. Trong bể còn 7 tấn cá hồi và 6 tấn cá tầm to, chi phí mua thức ăn 1 ngày mất khoảng 5 triệu đồng và thêm tiền trả lương cho công nhân. Nếu cá đến tuổi mà không ban được sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và lâu dần cá sẽ chết.
Nông dân – Doanh nghiệp gặp khó
Sản phẩm nông sản không tiêu thụ được, ùn ứ tại các kho của các công ty, doanh nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống công nhân, người dân có sản phẩm. Nếu không tiếp tục thu mua nguyên liệu thì bà con không biết mang đi đâu bán, còn doanh nghiệp tiếp tục mua để chế biến chè thì chỉ còn cách “đắp chiếu” để tồn trong kho dẫn đến không có tiền thanh toán cho người dân. Trong khi bà con chỉ trông chờ tiền bán búp chè tươi trang trải cuộc sống hàng ngày, chi phí mua sách vở, đóng học phí cho con khi bước vào năm học mới.
Chị Phê Thị Màu, bản Sùng Chô, xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) tâm sự: “Gia đình có 1ha chè shan, chè tươi thu hái đều bán cho Công ty TNHH chè Shan Trúc Thanh nhưng 3 tháng nay vẫn chưa được trả tiền do đơn vị không xuất khẩu được chè trong khi chè đến kỳ thu hoạch thì vẫn phải hái. Chi phí sinh hoạt của gia đình đều trông chờ vào tiền bán chè. Mong tỉnh có chính sách hỗ trợ cho người dân, các doanh nghiệp sớm tìm được giải pháp tiêu thụ chè để người dân yên tâm sản xuất, gắn bó với cây chè”.
Nếu như trước đây nhiều gia đình trên địa bàn huyện Phong Thổ có thu nhập khá từ việc trồng chuối và có nhiều gia đình thoát nghèo nhờ trồng chuối. Nhưng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì giá chuối bấp bênh, các thương lái thu mua với số lượng hạn chế. Trước tình hình đó, nhiều hộ gia đình đã bỏ mặc không chăm sóc cũng không chặt chuối về mà để tự chín rụng tại vườn; một số hộ gia đình tiếc thì mang về cho lợn ăn.
Anh Vàng Văn Phú, bản Bản Lang 2, xã Bản Lang (huyện Phong Thổ) trăn trở: “Gia đình tôi trồng hơn 1ha chuối, mọi năm bán được ổn định nhưng năm nay không bán được vì không có ai mua nên để chín cho lợn ăn. Do đó cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn. Hy vọng thời gian tới, dịch Covid-19 được kiểm soát cửa khẩu Ma Lù Thàng được thông thương, việc xuất khẩu chuối sẽ thuận lợi hơn”.
Là doanh nghiệp lâu năm xuất khẩu nông sản ở cửa khẩu Ma Lù Thàng của tỉnh như ông Đỗ Văn Khôi - Công ty XNK Mai Hưng (Phong Thổ) cũng phải loay hoay tìm đầu ra cho nông sản. Ông băn khoăn: “Hai năm trở lại đây, bên Trung Quốc chỉ nhập chuối tươi, lạc, đỗ qua cửa khẩu của tỉnh còn thảo quả, riềng, nghệ, sa nhân tím, sắn qua cửa khẩu khác. Chỉ tính riêng mỗi năm bình quân chuối tươi xuất khẩu qua cửa khẩu của tỉnh khoảng 700 tỷ đồng đã mang lại nguồn lợi rất lớn cho nông dân. Nhưng hiện giá chuối chỉ còn 3,5 nghìn đồng/kg. Do dịch bệnh phải tạm dừng xuất khẩu qua cửa khẩu Ma Lù Thàng, các doanh nghiệp phải bán cho thương nhân xuất khẩu tại tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai với chi phí đội cao. Khi xuất khẩu qua cửa khẩu khác buộc chuối Lai Châu phải sử dụng mã vùng của các tỉnh để đáp ứng yêu cầu nên mất đi thương hiệu”.
Tình trạng tương tự ở Công ty TNHH chè Shan Trúc Thanh của bà Phạm Thị Nụ cũng khó khăn khi không biết phải xử lý số chè tồn ra sao, trong khi năng lực cũng không thể cầm cự lâu. Bà Nụ chia sẻ: “Từ cuối năm 2020, Công ty vẫn phải gồng mình để mua chè tươi cho bà con giá 5.000 đồng/kg, thế nhưng giữa tháng 8/2021 khách hàng bên Afganistan báo dừng mua chè nên đơn vị phải theo thị trường giảm xuống mua còn 3.500 đồng/kg. Mua thì chế biến để đó chứ không biết bao giờ bán được”.
Nông sản không tiêu thụ được đang là thực trạng chung ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của doanh nghiệp, hợp tác xã và đời sống người dân. Dịch bệnh phức tạp, việc xuất khẩu càng khó khăn hơn, trong khi thị trường nội tiêu thụ trầm lắng do việc giãn cách ở một số tỉnh thành. Để sớm khắc phục được tình trạng này, các doanh nghiệp cần tìm ra giải pháp và tỉnh sớm có hướng tháo gỡ tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản Lai Châu.
(Còn nữa)
Nguồn tin: LC online:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn