Hơn 4.400 sản phẩm OCOP đạt 3 sao
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay đã có 59 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm (57 tỉnh đã có quyết định chính thức công nhận kết quả).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020. |
Cụ thể, có 4.469/6.210 (72%) sản phẩm tham gia chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020). Trong đó, 62,2% sản phẩm đạt 3 sao, 36,2% sản phẩm đạt 4 sao và 1,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hội đồng OCOP quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao được các địa phương đăng ký.
Có 2.439/2.961 (82,4%) chủ thể tham gia có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó: 38,3% là HTX, 27,5% là doanh nghiệp, 31,5% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác.
Nhiều sản phẩm đã đạt mục tiêu sản phẩm OCOP quốc gia như: trà Phìn Hồ (Hà Giang), cà phê Bích Thao (Sơn La)..., một số mô hình làng văn hóa du lịch bước đầu có sức lan tỏa như: Làng văn hóa du lịch Sa Đéc (Đồng Tháp); Làng văn hóa du lịch Bhờ Hôồng (Quảng Nam).
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, như: các làng nghề truyền thống ở Đồng bằng Sông Hồng; trái cây và dược liệu ở miền núi phía Bắc, cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên, lúa gạo và thuỷ sản ở Đồng bằng sông Cửu Long... Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…
Bên cạnh đó, từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình đã hình thành được 393 chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp (66,4% chủ thể OCOP ở miền núi phía Bắc là HTX, 54,2% chủ thể OCOP ở Đông Nam Bộ là doanh nghiệp...).
Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như, các chủ thể OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã tạo việc làm cho trên 3.800 lao động trực tiếp; các chủ thể OCOP của tỉnh Hà Tĩnh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2.196 lao động... Tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 39%, cao hơn tỷ lệ nữ giữ vai trò điều hành các doanh nghiệp của Việt Nam (25%), đặc biệt là ở khu vực miền núi như: Bắc Trung Bộ với 50,6%, Tây Nguyên là 45,2% và miền núi phía Bắc là 43,4%.
Xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng
Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. |
Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, đã tiếp cận thị trường xuất khẩu (như: miến dong Tài Hoan của tỉnh Bắc Kạn, cà phê Bích Thao của tỉnh Sơn La, đường thốt nốt Palmania của tỉnh An Giang…), hướng đến làm quà tặng sang trọng và có giá trị cao.
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy: 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Đặc biệt, các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều tăng trưởng về doanh thu từ 20-40%.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, mỗi giai đoạn, Đảng và Nhà nước luôn có chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đặt ra nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông thôn mới, phát triển triển giai cấp nông dân. Để thực hiện Nghị quyết 26, có chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mục tiêu khái quát đến năm 2020 có được 50% số xã đạt 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, qua 2 giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020, về tổng thể vượt toàn bộ chỉ tiêu căn cốt chương trình này, tạo nhận thức đồng bộ hệ thống chính trị, xã hội; Tạo cao trào phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. "Tuy nhiên, chúng ta không được bằng lòng kết quả đạt được, xây dựng nông thôn mới chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc, đòi hỏi giai đoạn sau mục tiêu cao hơn giai đoạn trước", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, từ kết quả giai đoạn 2010-2015, ở giai đoạn 2016-2020, chúng ta đã có bước cải tiến thúc đẩy, nhân mở không chỉ về số lượng nhanh hơn mà còn chất lượng tốt hơn, tập trung vào nội hàm căn cốt là thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người dân, chăm lo đời sống; thúc đẩy kinh tế nông thôn. Chương trình OCOP ra đời nhằm thúc đẩy mục tiêu này.
"Sau 3 năm thực hiện, chúng ta tổng kết chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020. Mẫu mã sản phẩm OCOP ở miền ngược không kém miền xuôi, không kém với sản phẩm quốc tế quốc tế. Chủ thể gia đình, HTX, DN đã thay đổi trình độ sản xuất hàng hóa", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá.
Lê Thúy
Chia sẻ Facebook (0)Nguồn tin: VNBUSINESS
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn