Tốt nghiệp Đại học, sau ngày ra trường Nguyễn Trung Kiên đi làm tại công ty bảo vệ thực vật 1 trung ương với mức lương cao. Tuy nhiên, với ước mơ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng ngay trên đồng đất quê hương, năm 2016, anh quyết định rẽ sang con đường hoàn toàn mới: về quê làm nông dân.
Bước đầu khởi nghiệp
Ngày đó, nguyện vọng của cả gia đình Kiên và cũng là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ tại vùng quê nghèo xã Độc Lập huyện Kỳ Sơn ( nay là thành phố Hoà Bình) đó là tốt nghiệp, có tấm bằng đại học và kiếm được việc làm ổn định tại Hà Nội. Thế nhưng sau khi tham khảo nhiều mô hình kinh tế, Kiên quyết định trình bày ý tưởng của mình với bố mẹ, bạn bè khiến cho mọi người không khỏi ngạc nghiên. Dù khuyên can hết lời nhưng mọi người cũng đành bất lực trước quyết tâm của Kiên.
Năm 2016, Kiên chính thức xin nghỉ việc tại Công ty Bảo vệ thực vật 1 Trung ương, đem nguồn giống, kỹ thuật và kinh nghiệm về phục vụ cho bà con nông dân địa phương bằng việc mở 3 cửa hàng cung cấp giống, phân bón, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho người dân địa phương.Nhận thấy so với trồng lúa, ngô, bí xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao bởi hợp với thổ nhưỡng, không đòi hỏi kỹ thuật cao và thời gian thu hoạch sản phẩm ngắn. Chàng thanh niên cùng với nhiều hộ dân sinh sống ở xã Độc Lập đã vận động bà con chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng bí xanh.
Kiên tâm sự "Mỗi khi về quê, thấy đồng đất quê mình rộng mà còn bỏ trống nhiều. Bà con nông dân chưa biết khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế thấy phí lắm”
Gặt hái thành công
Tháng 11/2020 từ mô hình nhỏ lẻ manh mún, Kiên đã thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp Độc Lập với mục tiêu là hỗ trợ người dân sản xuất, trợ giúp về khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. HTX gồm 10 thành viên với 2 nhóm sản xuất chính là trồng bí xanh và nuôi dê. Với diện tích sản xuất gần 30ha bí xanh, đồng thời ký kết bao tiêu sản phẩm cho hàng chục hộ gia đình với sản lượng hơn 2.000 tấn/năm, nhóm nuôi dê với 250 con được chia cho 50 hộ tham gia.
Ông Nguyễn Văn Sáng hộ thành viên cho hay: Tôi chuyển đổi hơn 2000m2 đất ruộng sang trồng bí xanh phát triển kinh tế. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trồng bí xanh, thường xuyên chăm bón nên sản lượng bí xanh của gia đình tôi luôn đạt trên 20 tấn/vụ. Mỗi năm tôi trồng được 2 vụ, 1 năm lãi hơn 130 triệu đồng từ bán bí xanh. Ngoài trồng bí, tôi còn triển khai trồng các loại rau củ quả như cải bắp, đậu cô ve, mướp đắng, cà chua để tăng nguồn thu nhập. Tổng bình quân 1 năm, gia đình tôi thu gần 200 triệu đồng, chủ yếu là tiền bán bí xanh...
Thay vì ngô, sắn như trước, nay cây bí xanh đã trở thành cây trồng chủ lực ở vùng cao nơi đây. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo nhờ bí xanh mà còn có của ăn của để nhờ trồng loại cây dây leo này.
Với nhóm nuôi dê, chị Nguyễn Thị Thu Phương, thành viên HTX cho biết: “Ngay khi tham gia thành viên HTX, gia đình tôi được hỗ trợ 5 con dê sinh sản, đồng thời được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho dê để gia đình ổn định cuộc sống”.
Tuy nhiên, do mới thành lập nên việc xây dưng thương hiệu sản phẩm còn khó khăn, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường chưa bền vững. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế. Đặc biệt về cơ sở hạ tầng như nhà sơ chế, bảo quản, nhất là lò sấy chưa có nên việc tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bấp bênh và hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.
Ông Nguyễn Ngọc Quế, Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho hay: HTX Dịch vụ Nông nghiệp Độc Lập đã mở ra hướng đi mới hiệu quả tại địa phương, lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng, nhất là thế hệ thanh niên để ngày càng có nhiều hơn những “gương sáng” làm kinh tế giỏi; đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương.
Nguồn tin: Công TTĐT LMHTX Việt Nam:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn