Thực hành nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practice - GAP) là một tập hợp các nguyên tắc áp dụng cho các quá trình sản xuất nông nghiệp và sau sản xuất nhằm tạo ra thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp an toàn và hợp vệ sinh, đồng thời có tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Ứng dụng GAP vào sản xuất được coi là hướng đi tất yếu để các HTX nâng cao chất lượng nông sản, đưa nông sản Việt đủ sức cạnh tranh, vươn rộng ra thị trường thế giới.
Mô hình GAP còn khiêm tốn
Thực tế đã có những HTX sản xuất theo GAP thành công, từ đó nâng cao được giá trị hàng hóa và thu nhập cho thành viên, hộ liên kết. Tiêu biểu như HTX khoai lang Mỹ Thái (Hòn Đất, Kiên Giang) đang áp dụng trồng khoai lang theo chuẩn VietGAP trên diện tích 50ha. Sau 5 tháng cho thu hoạch, các thành viên nhận thấy trồng khoai theo tiêu chuẩn VietGAP có năng suất cao hơn phương pháp truyền thống 2 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn khoảng 4-6 triệu đồng/ha.
Hiện, đã có 4 thành viên của HTX được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và được doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ. Ông Phan Văn Dũng, Giám đốc HTX cho biết, hàng hóa đạt chuẩn VietGAP được doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu nên thành viên có lãi hơn 20% so với trồng theo cách truyền thống. Mục tiêu của HTX là tiếp tục mở rộng diện tích và thu hút thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.
Áp dụng GAP vào sản xuất đang giúp cây khoai lang ở Mỹ Thái nâng cao giá trị. |
Tại nhiều địa phương, một số loại nông sản có lợi thế đã được các HTX, tổ hợp tác sản xuất theo quy trình GAP, như nho ở Ninh Thuận, chanh Bến Lức (Long An), chôm chôm, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh Bến Tre; quýt hồng ở Ðồng Tháp, xoài Đồng Tháp… Khi áp dụng mô hình GAP, lợi nhuận của nông dân được cải thiện vì tiết giảm được phân, thuốc, vật tư đầu vào và đặc biệt là được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý.
Sản xuất theo quy trình GAP như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ASC, UTZ, 4C, Alliance forest… không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, mà có có hiệu quả cao trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhân rộng những mô hình GAP chưa nhiều.
Số liệu điều tra các HTX nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long tham gia Đề án 445 cho thấy, dù được triển khai phổ biến từ năm 2008 nhưng đến nay mới có 51% HTX được khảo sát có áp dụng quy trình GAP.
Còn theo thống kê của Bộ NN&PTNT, nếu chưa tính đất lâm nghiệp, thì diện tích đất sản xuất nông nghiệp và cây hàng năm là trên 17 triệu ha, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 120.000 ha được chứng nhận VietGAP, 238.000 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Các chứng nhận như ASC, UTZ, 4C, Alliance forest chỉ tập trung ở khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích dưới 15.000 ha.
Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân, HTX gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo GAP, giá bán các sản phẩm theo GAP không cao hơn giá sản phẩm thông thường hoặc cao hơn rất ít, không đủ bù đắp chi phí sản xuất theo GAP.
Điển hình như trường hợp Tổ hợp tác trồng rau VietGAP 1/5 ở phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum. Tổ hợp tác đã thực hiện trồng rau VietGAP từ 6 năm nay, nhưng rau chỉ bán bằng giá với các loại rau thông thường vì người dân chưa có khái niệm sử dụng rau an toàn. Trong khi đó, các thành viên phải đầu tư nhà màng, đáp ứng hàng loạt tiêu chí khắt khe.
Ông Đỗ Văn Luận, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: “Thực hiện sản xuất rau VietGAP theo Quyết định 379/QĐ-BNN-KHCN thì người sản xuất phải hoàn thiện 93 tiêu chí, chỉ riêng hóa chất đã là 19 tiêu chí. Và để phát hiện ra lượng hóa chất trong sản phẩm vượt ngưỡng tối đa bao nhiêu, đó là hóa chất gì thì người dân không thể làm được mà chỉ có các ngành chức năng thực hiện trong phòng thí nghiệm”.
Chính vì những vướng mắc đó, việc thu hút thành viên tham gia Tổ hợp tác trồng rau VietGAP 1/5 không tăng trong 6 năm qua, mà vẫn giữ ở con số 15 người.
Đưa GAP thành tiêu chuẩn tự nguyện
Theo các chuyên gia, để gỡ khó cũng như khuyến khích áp dụng rộng rãi quy trình GAP, các bộ ngành, cơ quan địa phương trước tiên phải hỗ trợ người dân, HTX sản xuất trên diện tích lớn, bởi GAP yêu cầu sản xuất khắt khe, đồng bộ. Nếu không cùng sản xuất trên một cánh đồng lớn thì không thể cùng nhau áp dụng các tiêu chí, đồng thời cũng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý.
PGs. Ts Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam lưu ý, cần tổ chức lại sản xuất, thành lập các HTX sản xuất theo quy mô lớn và gắn với vai trò của doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm theo mô hình liên kết chuỗi.
“Lúc đó, mắt xích liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp sẽ chặt chẽ hơn. Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ người dân, HTX trong quá trình áp dụng GAP, vì nếu sản xuất thành công theo GAP, doanh nghiệp mới có thể thu mua sản phẩm và thậm chí là đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, PGs. Ts Đào Thế Anh nhấn mạnh.
Cần hỗ trợ người dân, HTX mở rộng đầu ra cho các sản phẩm GAP, từ đó tạo thuận lợi cho việc nhân rộng các mô hình. |
Chuyên gia tư vấn Ưng Thế Lãm, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu cho rằng, cần phải giải quyết vòng luẩn quẩn nông dân, HTX sản xuất GAP nhưng bán ra không đúng giá trị. Bởi điều này sẽ gây mất niềm tin, khi đó người nông dân, HTX sẽ quay về sản xuất thông thường hoặc thu hẹp diện tích sản xuất GAP.
“Hiện, trên thị trường vẫn còn những nông sản kém chất lượng "đội lốt" thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ và sự mạo danh này đang gây khó cho người dân, HTX sản xuất GAP thực sự. Ở đây, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là tạo ra môi trường lành mạnh, như: miễn hoặc giảm thuế cho các HTX sản xuất sản phẩm GAP, đầu tư các khu bán GAP riêng biệt..Từ đó mới khuyến khích người dân, HTX áp dụng GAP ”, ông Lãm đề xuất.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng, người nông dân, HTX, doanh nghiệp không thể giữ quan niệm “dễ và nhanh” khi đầu tư sản xuất GAP. Vì đây là những quy trình phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước sản xuất, nhất là thực hiện nghiêm túc việc ghi chép lại quy trình sản xuất phục vụ cho việc quản lý và liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Chính vì vậy, công tác truyền thông và đào tạo về GAP đối với người dân HTX, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng là rất quan trọng. Song song đó cần xây dựng mối liên kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà băng) để có những cơ chế hỗ trợ thiết thực về kỹ thuật, vốn, đầu ra cho các sản phẩm GAP. Khi xây dựng được mối liên kết này, GAP sẽ trở thành các tiêu chuẩn tự nguyện đối với người dân, HTX và người tiêu dùng.
Nguồn tin: VNBUSINESS
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn