Trên cả nước đã xuất hiện những HTX làm kinh tế giỏi, hỗ trợ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống thành viên và các hộ liên kết. Những mô hình này cũng vươn lên trở thành tổ chức kinh tế lớn mạnh, khẳng định được vai trò và vị thế trên thương trường như: HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp), HTX hoa cây cảnh Xuân Quan (Hưng Yên)…
Liên kết chưa bền chặt
Tuy nhiên bên cạnh những HTX đã khẳng định đường hướng đi thì vẫn còn những HTX đang bộc lộ những bất cập, hạn chế vì sản xuất kinh doanh theo phương thức tự phát, tự quyết định nuôi con gì, cây gì, bán nông sản theo phương thức trôi nổi, không có đơn vị ký hợp đồng thu mua, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa có thương hiệu trên thị trường… Những điều này khiến sản phẩm của các HTX ít vượt ra khỏi ranh giới địa phương.
Có thời điểm, nông sản của HTX còn có biểu hiện khủng hoảng thừa, khó tìm thị trường tiêu thụ như: thanh long, cam sành, lợn hơi…
Để thay đổi thực trạng trên, việc đưa người dân, HTX vào chuỗi liên kết sản xuất với sự tham gia của doanh nghiệp là hướng đi tất yếu nhằm giúp nâng cao hiệu quả của người dân, HTX và của cả ngành nông nghiệp.
Trong chuỗi liên kết này, doanh nghiệp và HTX được xác định là những mắt xích quan trọng nhất bởi một bên doanh nghiệp có vốn, kỹ thuật, công nghệ, quản trị, thị trường và một bên là HTX có sức lao động, đất đai…
Cơ quan quản lý kịp thời nắm bắt khó khăn trong sản xuất kinh doanh để tháo gỡ sẽ giúp mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp thêm bền chặt. |
Khi HTX và doanh nghiệp bắt tay nhau sẽ giải quyết được những vấn đề về vùng nguyên liệu, chất lượng nông sản… từ đó đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến. Còn các thành viên HTX sẽ khắc phục được khó khăn về kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất, tổ chức quản lý và thị trường đầu ra. Nói cách khác nông dân và thành viên HTX sẽ không còn phải vất vả lo việc trồng cây gì, nuôi con gì và bán cho ai.
Song trên thực tế hiện nay, vấn đề liên kết giữa HTX và doanh nghiệp vẫn còn chưa được bền chặt, lâu dài khiến xuất hiện tình trạng tư thương thao túng thị trường, từ đó chuỗi liên kết bị bẻ gãy hoặc có quá nhiều tầng.
Một khảo sát nhỏ tại các HTX trồng rau ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho thấy, 70% rau của các HTX vẫn chủ yếu bán cho các thương lái. Nhiều HTX chỉ trung thành với 1-2 thương lái vì ngại thay đổi, ngại va chạm… Điều này khiến nông sản khi đến tay người tiêu dùng phải trải qua 5-7 khâu trung gian.
Tuy nhiên, nhiều HTX vẫn mong muốn được liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thu nhập cho thành viên.
Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đa Tốn (Gia Lâm), ông Lê Thanh Phương chia sẻ: “Đầu ra của các loại rau của HTX vẫn khó khăn, giá bán chưa đúng với giá trị đầu tư nên các thành viên mong muốn được liên kết với các doanh nghiệp đưa các sản phẩm tiêu thụ ổn định thông qua kênh siêu thị".
Liên kết thực chất
Muốn giải quyết được khó khăn trên, các chuyên gia cho rằng việc liên kết giữa HTX và doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là ký hợp đồng mà phải được nâng lên ở mức độ cao hơn.
Theo đó, doanh nghiệp có thể góp vốn và trở thành thành viên của HTX. Doanh nghiệp cũng có thể cử người tham gia điều hành HTX hoặc cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát quá trình sản xuất của HTX. Điều này không chỉ giúp HTX hoạt động tốt hơn mà còn giúp mối liên kết theo chuỗi giữa HTX và doanh nghiệp thêm chặt chẽ, phát huy được thế mạnh của cả hai bên.
Xây dựng chuỗi giá trị bền vững giữa HTX và doanh nghiệp đã được khẳng định là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp và chỉ có tham gia HTX kiểu mới mới giải quyết được tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Vậy nhưng, quá trình HTX liên kết với doanh nghiệp đang gặp phải không ít khó khăn. Điển hình như nhiều HTX còn quy mô nhỏ, ít thành viên, việc tiếp cận công nghệ còn hạn chế. Nhiều HTX sản xuất tốt nhưng chưa hoàn thiện chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm…
Hay những quy định của Luật HTX 2012 về góp vốn, hay vướng mắc về tích tụ ruộng đất trong Luật đất đai 2013… đang tạo rào cản hợp tác giữa HTX và doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc các tiêu chí, tiêu chuẩn về sản xuất rau hữu cơ của Việt Nam, VietGAP còn nhiều bất cập, chưa thống nhất và chưa tiệm cận được với các chứng nhận nước ngoài nên gây khó khăn cho HTX và doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo về truy xuất nguồn gốc…
Theo các chuyên gia, để các HTX kiểu mới và doanh nghiệp đi đường dài được với nhau, điều đầu tiên là các cơ quan quản lý cần xây dựng quy hoạch vùng sản xuất một cách tổng thể, tính đến yếu tố bền vững lâu dài để phát huy được lợi thế của HTX ở từng vùng miền.
Trong quá trình hoàn thiện Luật HTX năm 2012 và Luật đất đai, cần tạo điều kiện để HTX và doanh nghiệp tiếp cận các quỹ đất công một cách hợp lý để xây dựng vườn ươm, vườn giống, vườn mẫu ha vùng nguyên liệu lõi cũng như được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, đào tạo nhân lực…
Đi liền với đó là tháo gỡ các thủ tục hành chính trong việc xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến với sự tham gia của các HTX như: mô hình thành lập các khu nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp. Các thủ tục về tập trung đất đai, dồn vùng đổi thửa của các hộ dân cũng cần được cụ thể, đơn giản thì mới thu hút người dân tham gia liên kết chuỗi với HTX và doanh nghiệp.
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa TH True Milk, cho rằng liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến nông sản giữa doanh nghiệp và HTX là con đường tất yếu để nâng cao chất lượng, uy tín của các mặt hàng nông sản trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Để làm được điều này, chính quyền ở các địa phương phải đóng vai trò bà đỡ, là cầu nối để doanh nghiệp, nông dân và HTX gặp nhau, tạo ra mối liên kết thực chất trong sản xuất kinh doanh.
Nguồn tin: VNBUSINESS:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn